Quy trình là kết quả từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ của TP.HCM, được Viện Sinh học Nông nghiệp Tất Thành (Đại học Nguyễn Tất Thành) nghiên cứu thành công.
Hiện nay, các loại dược liệu thường được nhân giống bằng phương pháp chiết, ghép, giâm cành truyền thống hay nuôi cấy mô in vitro nhằm phục vụ sản xuất dược liệu. Tuy nhiên, các phương pháp này tồn tại nhiều hạn chế: tỷ lệ sống của cây con trong vườm ươm thấp, hệ số nhân giống và chất lượng cây kém, tốn nhiều thời gian thực hiện. Với nuôi cấy mô in vitro, cây con dễ bị nhiễm nấm, khuẩn bệnh vườn ươm và chỉ đạt tỷ lệ sống 60% khi đưa ra môi trường bên ngoài.
Công nghệ khí canh là hướng đi mới, một trong những công nghệ hiện đại, tích hợp công nghệ sinh học, tin học và tự động hóa. Việc ứng dụng công nghệ khí canh trong nhân giống vô tính kết hợp kỹ thuật điều tiết sinh trưởng cây mang lại nhiều hiệu quả: chất lượng cây giống tốt, đồng đều, cung cấp sản lượng lớn cây giống giúp hệ số nhân giống tăng cao, tỷ lệ chồi ra rễ cao (đạt 96%), tỷ lệ sống cho cây con cao vượt trội (đạt 95%) so với các công nghệ khác. Ngoài ra, quy trình khép kín và tự động sẽ giúp đảm bảo kiểm soát tốt môi trường dinh dưỡng và dịch bệnh trong nhân giống và sản xuất sinh khối theo quy mô lớn.
Ứng dụng công nghệ khí canh phục vụ cho nhân giống, nhóm nghiên cứu đã xác định được các thông số tối ưu của hệ thống để tạo sinh khối của cây và xây dựng mô hình nhân giống cho các cây dược liệu (cây đinh lăng, thìa canh,….). Quy trình vận hành tự động và kiểm soát tốt các yếu tố dinh dưỡng, pH, nhiệt độ cho cấy giống, cho sản lượng cao và chất lượng cây giống tốt, thời gian nhân giống và sản xuất sinh khối nhanh. Cây con sau khi đạt tiêu chuẩn xuất vườn có thể sử dụng hệ thống khí canh để tiếp tục trồng nhằm mục tiêu thu sinh khối (thân lá, rễ, củ) đem lại hiệu quả và năng suất cao, phù hợp với đối tượng cây dược liệu. Chi phí đầu tư và nhân công thấp.
Hiện tại, quy trình đã sẵn sàng chuyển giao. Ứng dụng quy trình sẽ tạo ra được cây giống và sinh khối dược liệu với quy mô sản lượng lớn, đáp ứng tốt cho thị trường dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp sản xuất giống.
Nếu được sự quan tâm của cộng đồng, CESTI sẽ tổ chức sự kiện “Hợp tác công nghệ”, giúp các bên cung - cầu công nghệ (chủ sở hữu công nghệ, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và đơn vị có nhu cầu) thêm cơ hội tiếp xúc, giới thiệu, trao đổi trực tiếp để có thể xúc tiến các hợp tác, chuyển giao công nghệ nêu trên.
Quý vị quan tâm có thể để lại thông tin trong Phiếu khảo sát tại đây, hoặc liên hệ với Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (Phòng Cung cấp Thông tin), 79 Trương Định, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM, ĐT: (028) 3824 3826 (Hải Yến) - 0909283777 (Thái Hà), Email: hoptaccongnghe@cesti.gov.vn
T.K (CESTI)