Điểm nhấn của chương trình là báo cáo "Việt Nam 4.0, tương lai công việc, nguồn nhân lực và môi trường làm việc" do Anphabe thực hiện. Báo cáo tổng hợp những xu hướng mới nhất từ khảo sát nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2017. Khảo sát được thực hiện trên 62.268 người đi làm và 50 cuộc phỏng vấn chuyên sâu với các giám đốc điều hành và giám đốc nhân sự đến từ các công ty hàng đầu. Báo cáo đã đưa ra những góc nhìn mới như 5 đột phá về nguồn nhân lực; những tác động từ 4.0 đến doanh nghiệp (khách hàng siêu quyền năng, thế trận thay đổi giữa doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn, ảnh hưởng của công nghệ, chính sách của chính phủ),...
Nguồn nhân lực tương lai đòi hỏi người lao động và những nhà quản lý kiểu mới có tâm thế vững vàng và khả năng phản ứng linh hoạt, hiệu quả trước những biến đổi nhanh chóng. Về những tác động tới doanh nghiệp, theo bà Thanh Nguyễn (Giám đốc điều hành Anphabe), trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng đều cần nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo, đổi mới sáng tạo để phát triển tinh gọn và nâng cao sức cạnh tranh. Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của những công nghệ có thể thay đổi thế giới như blockchain, in 3D, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa,… mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng là những thách thức, cạnh tranh gay gắt cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy doanh nghiệp cần có sự thích ứng, kỹ năng và tư duy công nghệ. Đột phá công nghệ chính là yếu tố thúc đẩy cạnh tranh và đẩy lùi một số rào cản cho doanh nghiệp hiện nay. Ví dụ, 4.0 mang lại xu hướng khai thác công nghệ dựa trên Big data có thể tạo nên thị trường kinh doanh trực tuyến với doanh thu 4 tỷ USD tại Việt Nam trong tương lai. Đây là một hướng đi cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ Big data trong thiết kế những dịch vụ trải nghiệm khách hàng, phát triển khách hàng đa kênh, phát triển kênh phân phối,… Qua đó có thể nâng tầm cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ lên ngang bằng với những “ông lớn”.
Bà Thanh Nguyễn (Giám đốc Anphabe) trình bày báo cáo xu hướng nhân sự từ khảo sát nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2017. Ảnh: LV.
Mặt khác, những công ty đi đầu, đón đầu công nghệ, đột phá trong ứng dụng công nghệ nội tại doanh nghiệp đều có lợi thế cạnh tranh rất lớn. Bởi việc ứng dụng máy móc tự động có thể giúp doanh nghiệp vận hành nhanh, hiệu quả và an toàn, tiết kiệm chi phí, nhân công.
Về ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Tài (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thế Giới Di Động) đã có những chia sẻ xoay quanh nội dung “Doanh nghiệp chuyển mình: những cái bẫy cần tránh trong kỷ nguyên kỹ thuật số”. Theo đó, chiến lược số hóa không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn công nghệ mà quan trọng hơn là thiết lập một hệ thống tích hợp hoàn chỉnh trong và ngoài tổ chức. Các nguyên tắc thiết yếu khi triển khai ứng dụng công nghệ là: lãnh đạo cao nhất cam kết mạnh mẽ cho việc triển khai ứng dụng công nghệ và sẵn lòng loại bỏ những rào cản; vào một thời điểm chỉ lựa chọn một hoặc một vài nhu cầu quản trị sống còn mà hiện tại doanh nghiệp biết làm nhưng chưa làm tốt hoặc tốn quá nhiều nguồn lực; lựa chọn cách triển khai, giải pháp, thiết bị,… phù hợp với túi tiền và sử dụng được trong 1 - 2 năm; làm đến nơi đến chốn; ghi nhận và tưởng thưởng những tập thể và cá nhân đóng góp lớn vào việc triển khai thành công. Về những “cái bẫy” cần tránh trong kỷ nguyên kỹ thuật số, theo ông Tài đó là: lãnh đạo cao nhất không thấy việc ứng dụng công nghệ là sống còn; cám dỗ của những thứ hào nhoáng, nghe cao siêu, sướng tai nhưng không thực sự mang lại giá trị để phát triển kinh doanh; không đầu tư vào các giải pháp, thiết bị đắt tiền dạng “sử dụng ngon trong 5 năm tới” hoặc “không thiếu thứ gì trong đó”...; cẩn trọng với tư vấn của bên thứ ba nếu họ không có văn hóa đặt khách hàng làm trung tâm;…Trong đó, cam kết của lãnh đạo quyết định 51% sự thành công và ứng dụng công nghệ chỉ khi xuất phát từ nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp mới có cơ hội thành công cao và mang lại giá trị lớn.
Vinamilk được vinh danh là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2017. Ảnh: LV.
Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ vinh danh nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2017 với vị trí dẫn đầu thuộc về Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Trong top 100 còn có sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp được người đi làm đánh giá cao nhiều năm qua như: Nestlé Việt Nam, KPMG, Cargill, Sanofi, Techcombank, Manulife, Vingroup, Samsung,… Bên cạnh đó, trong top 100 cũng xuất hiện một số doanh nghiệp mới như: FWD Việt Nam, Nhựa Duy Tân, DKSH,… Ở hạng mục mới, Top 50 doanh nghiệp Việt có thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn được trao cho các công ty nội có nhiều tiến bộ trong việc gia tăng sức hấp dẫn Thương hiệu nhà tuyển dụng như: VP Bank, Thành Thành Công, Thế Giới Di Động, FE Credit,… Ở hạng mục giải thưởng Doanh nghiệp sẵn sàng cho tương lai, Vinamilk, Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Việt Nam), Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, ABB, KMS Technology là 5 công ty được trao giải, dựa trên đánh giá về sự sẵn sàng thay đổi của doanh nghiệp, năng lực của nhân viên chuẩn bị cho tương lai và vai trò quản lý của lãnh đạo.
Dịp này, công ty Anphabe phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát động giải thưởng Asia HRD Awards (giải thưởng về phát triển nguồn nhân lực khu vực châu Á) tại Việt Nam. Đây là giải thưởng uy tín quốc tế do HRD Congress tổ chức hàng năm, nhằm vinh danh những cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp vào sự phát triển con người và cộng đồng nhân sự. Giải thưởng bao gồm 5 hạng mục: thành tựu trọn đời, đóng góp cho xã hội, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp, đóng góp cho cộng đồng nhân sự, người dẫn đầu và thay đổi. Dự kiến lễ công bố và trao giải sẽ được tổ chức vào tháng 10/2018.