Đến năm 2030 sẽ tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái Đất
17/11/2011
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Đây là mục tiêu mà TS Doãn Minh Chung, Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đưa ra tại Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Viện.
Sau 5 năm thành lập, đến nay có thể nói, Viện Công nghệ Vũ trụ đã đặt nền móng cho nền công nghiệp vũ trụ còn rất non trẻ ở Việt Nam.
Thành tựu đáng kể nhất là sự ra đời của Trung tâm Vệ tinh Việt Nam đặt tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc. Dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nhằm phát triển công nghệ vũ trụ thành một ngành công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, theo kịp với trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam khi đi vào hoạt động sẽ là nơi nghiên cứu và sản xuất các vệ tinh nhỏ, phục vụ cho các nhu cầu trong nước như: dự báo thời tiết, quan trắc, thăm dò, thu phát sóng truyền thanh - truyền hình, tìm kiếm cứu nạn,…
Năm 2009, Viện Công nghệ vũ trụ cũng đã tham gia dự án vệ tinh nhỏ Việt Nam VNREDSat- 1- vệ tinh viễn thám quang học đầu tiên của Việt Nam với độ phân giải cao 2,5m- ảnh toàn sắc, 10m đa phổ. Trạm điều khiển vệ tinh cũng đang được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, trạm thu ảnh đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tiếp theo dự án VNREDSat- 1, Viện Công nghệ Vũ trụ sẽ tham gia dự án VNREDSat- B1 hợp tác với công ty SpaceBel của Vương quốc Bỉ.
TS Doãn Minh Chung, Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ cho biết, đa dạng hoá các hình thức hợp tác về KHCN và đạo tạo nhân lực là một trong những hướng phát triển mà Viện nhắm tới. Viện đã chủ động mở rộng hợp tác với các cơ quan vũ trụ quốc tế như ESA, NASA, JAXA, ISRO, ROSCOSMOS, UNOOSA, UNESCAP,…
Báo cáo tổng kết 5 năm thành lập Viện, TS Doãn Minh Chung cho biết, định hướng hoạt động của Viện đến năm 2020 sẽ làm chủ công nghệ nhỏ quan sát Trái Đất, khai thác các dịch vụ gia tăng về ứng dụng dữ liệu vệ tinh; đưa ứng dụng công nghệ vào phục vụ rộng rãi và thường xuyên các nhu cầu kinh tê- xã hội trong sản xuất, dịch vụ, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng,… đạt tầm cỡ trung bình khá khu vực. Đến năm 2030 sẽ tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái Đất, góp phần đưa công nghệ vũ trụ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của nước nhà, đưa trình độ KHCN về vũ trụ của Việt Nam đạt tầm cỡ ngang các Viện nghiên cứu hàng đầu về công nghệ vũ trụ của các nước và khu vực.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN