Tỷ lệ số lượng quốc gia ở các Châu lục có đăng ký sáng chế về công nghệ khí hóa từ phụ phẩm nông nghiệp. Nguồn: Cesti
Trên thế giới, công nghệ gasification (công nghệ khí hoá) sử dụng phụ phẩm nông, lâm nghiệp để tạo ra gas cho đun nấu, hệ thống lò sưởi, chạy máy phát điện, chiết suất thành nhiên liệu khí hoá lỏng... đã được ứng dụng rất nhiều. KS. Đặng Như Mơ - Trung tâm Thông tin KH&CN TP. HCM cho biết, theo khảo sát tình hình đăng ký sáng chế (SC) dựa trên CSDL Thomson Innovation có 1.986 SC có liên quan đến ứng dụng công nghệ khí hóa từ phụ phẩm nông nghiệp đã được đăng ký bảo hộ. SC đầu tiên vào năm 1979 tại Canada nghiên cứu về phản ứng hóa học trong qui trình khí hóa sinh khối. Hiện nay SC có liên quan đến ứng dụng công nghệ khí hóa từ phụ phẩm nông nghiệp đang được nộp đơn đăng ký bảo hộ ở khoảng 38 quốc gia trên toàn thế giới. Ngay cả tại Việt Nam, cũng có 6 SC nộp đơn đăng ký bảo hộ, trong đó có 1 SC của người Việt. Các viện trường, trung tâm nghiên cứu như Đại học Nông Lâm, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Sau thu hoạch, Viện Năng lượng, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ - Máy công nghiệp (Đại học Công nghiệp TP.HCM) cũng đã có những nghiên cứu về trấu khí hóa quy mô nhỏ dạng mẻ dùng để cấp nhiệt sấy lúa hoặc nấu ăn trong hộ gia đình.
Tại Đại học Công nghiệp TP.HCM, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công công nghệ khí hóa từ phụ phẩm nông nghiệp (trọng tâm từ trấu thải) để sử dụng làm năng lượng nhiệt, năng lượng điện. TS. Bùi Trung Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ - Máy công nghiệp, Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết, sản phẩm này là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước KC05/2011-2015. Theo tính toán, hệ thống dùng điện trấu sẽ tiết kiệm cho hệ thống dùng điện lưới quốc gia 331,864 đồng/ngày nếu số lượng trấu là 300kg/ngày (giá 330đồng/kg) và độ ẩm trấu là 15.5%.
TS. Bùi Trung Thành giới thiệu nghiên cứu công nghệ khí hóa từ phụ phẩm nông nghiệp (trọng tâm từ trấu thải) để sử dụng làm năng lượng nhiệt, điện. Ảnh: H.M.
Sản phẩm đã được ứng dụng tại Xí nghiệp Xay xát và Chế biến lương thực số 1, Công ty Lương thực Tiền Giang. TS. Bùi Trung Thành cho biết, giá bán hiện nay của hệ thống là 1 tỉ 50 triệu, rẻ hơn gần một nửa so với sản phẩm nhập ngoại với hiệu suất gần tương đương. Ngoài ra, ông cho biết thiết bị đã được ngiên cứu để có tỉ lệ nội địa hóa đến mức 85 – 90%. Hiện nay, do chi phí vận chuyển cao nên việc ứng dụng hệ thống để tạo ra nhà máy có công suất cao hơn 1 MW không hiệu quả.
TS. Bùi Trung Thành trình bày phương pháp xử lý rác thải cho hệ thống.
Là một trong số hơn 70 đại biểu tham dự sự kiện, PGS.TS.Nguyễn Thị Vân Hà, giảng viên tại Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, bà đã làm việc với vấn đề tái chế trấu trong nhiều năm, theo kinh nghiệm của bà thì các xưởng xay xát tại Đồng bằng sông Cửu Long thường ở gần nhau, nên hệ thông khí hóa trấu có thể cho công suất cao hơn 1 MW nếu như xây dựng nhà máy lớn là liên hợp của nhiều nhà máy khí hóa trấu nhỏ. Ông Phạm Ngọc Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM XD SX Hoàng Hà cho biết, các nhà máy xay xát thường hoạt động một cách gián đoạn, nên cần tìm cách kết hợp hợp lý với quá trình khí hóa trấu để có thể tận dụng được nguồn năng lượng này tốt nhất.
Hoàng Mi