Ngày 24/7/2012 tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng nhất của Đảng và Nhà nước trao tặng.
Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Bộ, đại diện lãnh đạo các Sở KH&CN trong cả nước.
Báo cáo tại buổi lễ, Cục trưởng Cục SHTT Tạ Quang Minh cho biết, tính đến hết ngày 30/6/2012, Cục đã xử lý 30.034 (tiếp nhận 34.587) đơn các loại, trong đó có 17.246 đơn đăng ký xác lập quyền và 12.788 đơn các loại khác.
Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm cho các quyền SHTT đã xác lập được thực thi trong thực tiễn cuộc sống, đồng thời góp phần thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết về SHTT theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, công tác thực thi và giải quyết khiếu nại quyền SHTT được Cục SHTT và các tổ chức tiền thân hết sức quan tâm và chú trọng theo hướng hiệu quả.
Cục SHTT đã nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp nhằm từng bước đẩy lùi tình trạng xâm phạm, vi phạm về SHTT. Đặc biệt là, Cục SHTT đã tham gia xây dựng và được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ kinh phí ,
cho thực hiện Dự án “Tăng cường thực thi quyền SHTT tại Việt Nam”. Dự án được thực hiện trong 3 năm, bắt đầu từ tháng 7/2012, với các hoạt động nhằm nâng cao năng lực của Cục SHTT và các cơ quan thực thi quyền SHTT, tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan này phục vụ xử lý các vụ việc xâm phạm quyền SHTT.
Một vấn đề được Cục SHTT và các tổ chức tiền thân coi là cốt lõi của hoạt động SHTT và đặc biệt quan tâm, đó là công tác đào tạo cán bộ và nhân lực về SHTT, công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao nhận thức về SHTT cho công chúng cũng như doanh nghiệp. Hàng năm Cục SHTT đã tổ chức và phối hợp tổ chức 30-40 lớp tập huấn và 20-30 hội thảo cho hàng chục nghìn lượt người.
Đặc biệt, nhằm từng bước đưa SHTT vào giảng dạy trong các trường đại học, Cục SHTT đã phối hợp với Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) giảng dạy về SHTT cho hàng nghìn sinh viên thông qua nhiều loại hình đào tạo khác nhau, trong đó đã có 630 học viên được đào tạo dài hạn (6 tháng) về SHTT (thay vì trước đây chúng ta phải gửi đi đào tạo ở nước ngoài), kịp thời tăng cường nhân lực có chuyên môn sâu cho hệ thống SHTT. Điểm mới là, với sự hỗ trợ của WIPO và sự chủ động của mình, Cục SHTT đã tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến về SHTT theo các cấp trình độ khác nhau cho hàng nghìn người…
Không chỉ thực hiện chức năng xác lập quyền sở hữu công nghiệp, để giúp doanh nghiệp xác lập, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ của mình, Cục SHTT đã và đang tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Nhờ chương trình này, nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của công chúng, doanh nghiệp đã được tổ chức thực hiện (Chương trình “Chắp cánh Thương hiệu” và Chương trình “Sáng tạo Việt” trên VTV3; Chương trình “Sở hữu trí tuệ và Cuộc sống” trên hầu hết các đài truyền hình địa phương), các mô hình dự án xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý dùng cho các sản phẩm đặc sản của địa phương đã được xây dựng. Thông qua các dự án này, giá trị của các sản phẩm đặc sản của địa phương đã tăng lên đáng kể, góp phần tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các dự án hỗ trợ áp dụng sáng chế, công nghệ mới đang được triển khai, tạo mô hình mẫu có thể nhân rộng, góp phần phát triển hoạt động chuyển giao và áp dụng sáng chế, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, Bộ KH&CN đánh giá cao những thành tựu và nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên Cục SHTT trong việc hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng và Nhà nước giao phó. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Bộ KH&CN về SHTT, Cục đã hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về SHTT, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của đất nước và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Bộ trưởng khẳng định, để đạt được những mục tiêu chiến lược mà Đảng và Nhà nước đã đề ra là đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hóa với nền KH&CN tiên tiến sánh ngang với các nước trong khu vực và thế giới, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội và đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế, hệ thống SHTT nói chung và Cục SHTT nói riêng phải nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết các nhiệm vụ mới, đặc biệt là những nhiệm vụ đã đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015 của Chính phủ, đó là: Phát triển thị trường KH&CN gắn với thực thi pháp luật về SHTT nhằm thúc đẩy thương mại hoá các kết quả ứng dụng và phát triển công nghệ, khuyến khích hoạt động đổi mới và sáng tạo; Tổ chức triển khai và quản lý có hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn đến 2015, đặc biệt hỗ trợ về mặt chuyên môn và giải pháp cho việc bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa của các doanh nghiệp và địa phương; Đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn, xây dựng, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; Thúc đẩy việc khai thác tài nguyên SHTT, nhất là sáng chế phục vụ sản xuất, kinh doanh; Duy trì và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về SHTT; Chủ động tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO);...
Với những thành tích đạt được, Cục SHTT đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng hệ thống SHTT góp phần vào sự nghiệp phát triển KH&CN.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN