Thúc đẩy quan hệ đối tác tích cực và hợp tác thương mại Việt Nam - Đan Mạch
27/01/2015
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 19-22/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Hợp tác phát triển Đan Mạch, nhiều hoạt động đã diễn ra với trọng tâm là những bước tiến mạnh mẽ trong quan hệ kinh tế thương mại, hợp tác đầu tư giữa hai nước.
Mục đích chính của chuyến thăm là nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác tích cực và sự hợp tác thương mại chặt chẽ giữa Việt Nam và Đan Mạch. Đi cùng ngài Bộ trưởng là một phái đoàn gồm 40 doanh nhân Đan Mạch trong các lĩnh vực thực phẩm, khí hậu và năng lượng đang mong muốn hợp tác với các công ty Việt Nam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngài Bộ trưởng đã tham dự lễ khai trương và cắt băng khánh thành thiết bị sản xuất mới của Công ty Orana Việt Nam tại Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, TP. HCM. Cômg ty Orana (Đan Mạch) hoạt động được 11 năm tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nguyên liệu từ trái cây tươi. Việc đầu tư thiết bị sản xuất mới giúp nhà máy tăng khả năng sản xuất với nhiệm vụ chủ yếu làm ra các sản phẩm trong lĩnh vực thực phẩm như mứt quả, nước ép và sirô.
Bộ trưởng Bộ Thương mại và Hợp tác phát triển Đan Mạch gặp gỡ báo chí tại TP. HCM. Nhân chuyến thăm của ngài Bộ trưởng còn có các hoạt động như hội thảo doanh nghiệp Đan Mạch – Việt Nam được tổ chức tại TP. HCM và Hà Nội; Công ty Haldor Topsoe (Đan Mạch) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực chế biến dầu khí, trong đó có sử dụng công nghệ tối ưu và thân thiện môi trường của Topsoe; Vissing Agro A/S (Đan Mạch) ký hợp đồng cung cấp 1.048 chuồng heo đẻ cho Công ty CP Chăn nuôi Thái Dương Sun Group; Công ty Danbred (Đan Mạch) ký hợp đồng cung cấp 300 heo giống cho Tập đoàn Dabaco (Việt Nam)...
Tại buổi họp báo ở TP. HCM, ngài Bộ trưởng cho biết, các cuộc họp mở ra nhiều triển vọng trong chuyến thăm của ông, bao gồm cả cuộc họp mặt với đại diện từ nhiều công ty Đan Mạch tại Việt Nam, đã tạo cho ông ấn tượng tốt về Việt Nam – một xã hội năng động đang phát triển rất nhanh. Các công ty Đan Mạch có thế mạnh cạnh tranh phù hợp với nhu cầu cũng như những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong một số lĩnh vực liên quan tới quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững như thực phẩm, dược phẩm, dệt may, vận tải…
Thương mại giữa Đan Mạch và Việt Nam đã tăng trưởng tích cực từ năm 2009 với mức tăng trưởng đạt khoảng 75%. Hiện có hơn 130 công ty Đan Mạch đang hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực: đồ gỗ và dệt may; năng lượng hiệu quả và môi trường (công nghệ sạch); công nghệ thông tin truyền thông, đồ điện tử và phần mềm; vận tải và hậu cần (đường biển); thực phẩm và an toàn thực phẩm; sức khỏe. Về hỗ trợ phát triển dành cho Việt Nam, dự kiến trong năm 2014-2015, Đan Mạch sẽ giải ngân 90 triệu USD hỗ trợ phát triển không hoàn lại cho Việt Nam. Các lĩnh vực chính mà Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam gồm tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, phát triển khu vực tư nhân, nước sạch và vệ sinh...
Lam Vân