Một thực trạng đặt ra ở hội nghị là dù được xã hội trao cho vai trò người gác cửa khoa học, không ít nhà báo khoa học trên thế giới lại dần dần đánh mất vai trò này. Thật vậy, để cải thiện đời sống trước sự sa sút kinh tế, một số nhà báo đã lấn sang lĩnh vực PR (quan hệ công chúng), trở thành người hỗ trợ cho những tổ chức khoa học hay nhà quản lý mà đánh mất quy ước nghề nghiệp. Khảo sát của Mangai Balasegaram, nhà nghiên cứu những vấn đề báo chí và y tế công cộng của Malaysia, cho thấy tần suất bài báo về những dịch bệnh bị lãng quên (bệnh dại, sốt xuất huyết, mắt hột, bệnh sán lá lây qua thực phẩm…) trên 11 hãng tin hay tờ báo hàng đầu thế giới bằng tiếng Anh (CNN, BBC, New York Times, Washington Post, Guardian…) từ tháng 1.2003 – 1.2007 ở mức rất thấp. Chẳng hạn trong bốn năm đó, tờ Washington Post chỉ có năm bài báo, New York Times bốn bài, BBC tám bài, còn CNN không có bài nào! Giải thích cho tình trạng này, theo Mangai, là do báo chí bị cuốn theo thời sự để rồi thờ ơ với người nghèo dù những bệnh này ảnh hưởng đến 1 tỉ người ở 149 quốc gia.
Trái với thế giới phát triển, báo chí khoa học của thế giới đang phát triển lại ít đối mặt với những thách thức nghề nghiệp. Ivan Oransky, biên tập viên kỳ cựu của chuyên trang sức khoẻ Reuters, chia sẻ: “Nhà báo khoa học của những nước đang phát triển tỏ ra khá an tâm với công việc vì họ có nhiều chủ đề để theo đuổi và báo chí ở nước họ chưa bị suy thoái nhiều”. Thế nhưng, nhà báo khoa học ở những quốc gia này lại cần trang bị nhiều kiến thức khoa học và kỹ năng nghề nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà hội nghị dành ra một ngày hội thảo và huấn luyện nghề nghiệp cho nhà báo trẻ của các quốc gia đang phát triển với những chủ đề thiết thực như “Báo chí điều tra trong báo chí khoa học”, “Tìm hiểu, nhận thức và trình bày các dữ kiện mở và thống kê”, “Báo chí y tế dựa trên chứng cớ: những công cụ để sử dụng”…
Ra đời vào năm 2002, liên đoàn Nhà báo khoa học quốc tế (World Federation of Science Journalists – WFSJ) là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ, có mục tiêu cổ vũ báo chí quan tâm mạnh mẽ và phản biện những vấn đề về khoa học và công nghệ, môi trường, sức khoẻ. Hai năm một lần, hội nghị toàn cầu được tổ chức ở một quốc gia để giao lưu kinh nghiệm, chia sẻ giá trị nghề nghiệp và nâng cao trình độ tác nghiệp của những nhà báo khoa học trên toàn thế giới. Tại phiên bế mạc hội nghị, TS Peter Evans, giám đốc viện Phân tích và chiến lược toàn cầu, cho rằng báo chí khoa học còn rất nhiều lĩnh vực tác nghiệp khi thế giới đang sống trong kỷ nguyên về năng lượng, thảm hoạ tự nhiên, khủng hoảng nước sạch, bùng phát dịch bệnh mới, vì thế không sợ gì phải… thất nghiệp. Ivan Oransky đề nghị báo chí khoa học tăng cường vai trò gác cửa bằng những bài điều tra, vì nếu không công chúng sẽ quay lưng và giảm nhận thức với những vấn đề của cuộc sống.
Điều đáng lưu ý là tại hội nghị này, WFSJ đã khởi động dự án huấn luyện báo chí khoa học tại châu Á, trong đó có Việt Nam (kết hợp với hội Nhà báo Việt Nam). Hy vọng với sự tiếp cận những kiến thức và cách làm báo mới, báo chí khoa học trong nước sẽ khởi sắc, giúp người dân nâng cao nhận thức về sức khoẻ, môi trường, nông nghiệp.
Nguồn: SGTT