Ngày 9/12, tại TP.HCM, Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN (Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN) phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ và Thiết bị Việt Mỹ tổ chức hội thảo “Ứng dụng Airocide – công nghệ của Cục Hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) trong bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm”. Ưu điểm của công nghệ này là giúp kéo dài thời gian bảo quản nông sản, thực phẩm mà không sử dụng hóa chất; giữ được độ tươi, ngon, hương vị và màu sắc ban đầu; giảm tiêu hao các chất dinh dưỡng có trong sản phẩm; tiết kiệm năng lượng và chi phí bảo quản cho doanh nghiệp.
Công nghệ Arirocide sử dụng quang hóa xúc tác nano TiO2, không sản sinh chất có hại, không sinh ra ozone, không sử dụng màng lọc, giúp loại bỏ khỏi không khí các mầm bệnh, vi khuẩn, vi rút, nấm mốc, đặc biệt loại bỏ gần như hoàn toàn khí etylen gây hư hỏng nông sản, thực phẩm. Thiết bị nhỏ gọn, dễ lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng đơn giản, ứng dụng hiệu quả trong không gian kín như container, kho lạnh, phòng nuôi cấy giống và lên men, siêu thị, sử dụng tại các cơ sở y tế,… Đồng thời có thể áp dụng cho hầu hết các loại nông sản và thực phẩm như hoa, quả, rau củ, đồ đông lạnh, đồ hộp, đồ khô, sữa và các sản phẩm từ sữa, bia rượu, ngũ cốc, hạt giống,…
Thảo luận tại hội thảo. Ảnh: LV. Ông Phạm Ngọc Minh, Vụ trưởng - Trợ lý Bộ trưởng Bộ KH&CN, cho biết, Việt Nam là nước nông nghiệp với sản lượng rất lớn các loại nông sản được sản xuất và tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các loại nấm mốc, vi rút phát triển. Vì vậy, việc bảo quản nông sản, thực phẩm gặp nhiều khó khăn, gây thiệt hại về kinh tế cũng như ảnh hưởng đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến phục vụ công tác bảo quản nông sản, thực phẩm luôn là yêu cầu cấp thiết được đặt ra. Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm. Hội thảo thu hút hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thu mua, chế biến, xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm và các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học tham dự.
Theo ông Đặng Minh Tuân – Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ và Thiết bị Việt Mỹ, công nghệ bảo quản nông sản, thực phẩm ở Việt Nam trong quá trình lưu trữ và chiến biến còn thiếu và hạn chế. Dây chuyền bảo quản chưa đồng bộ nên sản phẩm Việt chưa đi xa được. Hiện Việt Nam mới chỉ áp dụng các công nghệ như bảo quản lạnh là chủ yếu. Tuy nhiên, công nghệ chưa chú trọng kiểm soát chất lượng không khí bên trong nên thời gian bảo quản còn hạn chế. Ngoài ra, còn một số công nghệ tiên tiến khác nhưng khá đắt và khó áp dụng đối với các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, các doanh nghiệp luôn mong muốn tìm kiếm những công nghệ bảo quản phù hợp với điều kiện thực tế.
Kết nối tư vấn ứng dụng Arirocide trong doanh nghiệp tại hội thảo.
Thiết bị ứng dụng công nghệ Arirocide đã được khảo nghiệm thực tế tại một số đơn vị như phòng bảo quản khoai lang tím Vĩnh Long tại Viện Nghiên cứu Rau quả (Hà Nội); bảo quản dâu tây tại Lang Biang (Đà Lạt); bảo quản hoa ly và bắp cải tại Công ty Cổ phần Nông phẩm CNC An Việt; ứng dụng trong trồng nấm tại Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học;…
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao khả năng ứng dụng của sản phẩm. Tuy nhiên, cần tiếp tục có những khảo sát cụ thể trên từng loại trái cây, đặt biệt là với vùng trái cây nhiệt đới như các tỉnh phía Nam, đồng thời đi thẳng vào quy trình ứng dụng ở chuỗi cửa hàng, siêu thị,… để phát huy khả năng ứng dụng. Theo một số ý kiến, sản phẩm này sẽ rất được các doanh nghiệp có kinh doanh mặt hàng trái chuối quan tâm ứng dụng.
Cũng tại hội thảo, Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN và Công ty Cổ phần Công nghệ và Thiết bị Việt Mỹ đã đưa ra chương trình hỗ trợ ứng dụng công nghệ này vào sản xuất. Theo đó, chương trình sẽ hỗ trợ 30% chi phí đầu tư công nghệ thiết bị ban đầu cho các đơn vị có nhu cầu. Đồng thời, tư vấn bảo quản sản phẩm trong quá trình sản xuất và hỗ trợ đánh giá – so sánh hiệu quả kinh tế với công nghệ hiện tại của đơn vị.
Lam Vân