Kết nối chuyển giao công nghệ Nhật Bản – Việt Nam lĩnh vực nhựa cao su và xử lý môi trường
10/11/2016
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Ngày 8/11, tại TP.HCM, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC) phối hợp cùng Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP.HCM và Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh Shiga – Nhật Bản tổ chức hội thảo “Giao thương công nghệ Nhật Bản - Việt Nam”. Hơn 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực cao su – nhựa và xử lý môi trường của Nhật Bản và Việt Nam đã tham dự và tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương, kết nối chuyển giao công nghệ.
Theo ông Nguyễn Văn Ngà (Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên Nước và Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), chất lượng nguồn nước hiện nay ở TP.HCM đang có xu hướng xấu đi, các công nghệ trong xử lý, quản lý, tận dụng, sử dụng nguồn nước chưa được chú trọng đầu tư nghiên cứu. Cụ thể, về nước mặt, hệ thống sống Sài Gòn, Đồng Nai, nước có hàm lượng vi sinh, dầu gia tăng; hàm lượng oxyhòa tan (DO) trong nước có xu hướng giảm. Chất lượng nước trong các hệ thống kênh rạch ô nhiễm hữu cơ rất cao và hàm lượng vi sinh trong nước cũng rất cao. Đối với nước ngầm, chất lượng nước các tầng chứa nước chính cũng đang có xu hướng xấu đi, đặc biệt nước ở các khu vực gần các khu công nghiệp, các khu dân cư tập trung và các tầng chứa nước gần mặt đất. Trong khi đó, việc khai thác sử dụng nguồn nước còn lãng phí, lượng nước mưa của thành phố chưa được tận dụng,...
Trước thực tế này, TP.HCM cần nghiên cứu, tìm kiếm các công nghệ để có thể thu gom và xử lý nước mưa nhằm giải quyết một phần bài toán chống ngập cho thành phố. Đồng thời, trước tình trạng ngập úng, xâm nhập mặn đang tác động xấu đền đời sống kinh tế xã hội cũng phải có những nghiên cứu cụ thể để có thể khai thác bền vững nguồn nước trong tương lai. Ông Ngà cũng đặt vấn đề cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý nước lợ, nước mặn, góp phần giải quyết tốt vấn đề nước cho thành phố.
Doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu công nghệ trong lĩnh vực môi trường, nhựa - cao su. Ảnh: LV.
Tại hội thảo, 9 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản đã giới thiệu các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực môi trường, xử lý nước thải, chuyển nước mặn thành nước ngọt, cao su - nhựa và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường. Những công nghệ này khá phù hợp với nhu cầu thực tế của Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội trao đổi hợp tác với các đối tác Nhật Bản.
Đặc biệt, Nhật Bản đã giới thiệu mô hình hồ Biwa – một hồ lớn của Nhật, nơi cung cấp nước sạch cho 14,5 triệu người dân. Mô hình hồ Biwa được tạo nên bởi sự nỗ lực và các hoạt động của người dân trong việc bảo vệ hồ; thiết kế và nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc xây dựng cơ chế nhằm bảo vệ môi trường nước của hồ; công tác triển khai và sự nỗ lực của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường nước dựa vào cộng đồng địa phương;... Hiện nay, Dự án cải tạo môi trường nước ở đảo Cát Bà đang áp dụng “mô hình hồ Biwa”. Nhiều ý kiến cho rằng, TP.HCM cũng cần nghiên cứu áp dụng mô hình này.
Lam Vân