Chiều ngày 2/1, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động KH&CN năm 2015 và phương hướng hoạt động năm 2016. Sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu và phát triển KH&CN với nhu cầu thị trường được chú trọng nhằm nâng cao tỷ lệ ứng dụng của đề tài, tăng cường đặt hàng trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng kết quả nghiên cứu, hỗ trợ đề tài sau nghiệm thu.
Năm 2015, Sở KH&CN TP.HCM đã cấp kinh phí 128 tỷ đồng cho 239 đề tài nghiên cứu, trong đó nghiệm thu 158 đề tài. Giai đoạn 2013-2015, Sở đã xét duyệt 49 đề tài và ký hợp đồng thực hiện 44 đề tài nghiên cứu trong chương trình thí điểm hợp đồng đặt hàng nghiên cứu khoa học theo hình thức khoán kinh phí. Đến nay, đã có 2 đề tài được hỗ trợ thương mại hóa. Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học năm 2015 đạt 105% so với kế hoạch và đây cũng là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.
Đặc biệt, năm qua, hoạt động KH&CN đã tập trung hơn vào nghiên cứu ứng dụng KH&CN phát triển các sản phẩm công nghệ cao, chú trọng phát triển các lĩnh vực công nghệ ưu tiên của thành phố bao gồm vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, môi trường và biến đổi khí hậu,… góp phần vào mục tiêu làm chủ công nghệ, đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.
Trong hoạt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, Sở đã hỗ trợ thêm 20 doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển KH&CN, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập quỹ đạt 101 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã trích lập quỹ với số tiền 494 tỷ đồng. Trong số này, các doanh nghiệp đã dành 168 tỷ đồng chi cho đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị. Hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ tại các trường đại học, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ đã ươm tạo được 17 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp được ươm tạo là 54. Trong đó có 3 doanh nghiệp đã tốt nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp đã tốt nghiệp và sẵn sàng tốt nghiệp là 9 doanh nghiệp. Năm 2015 cũng tiến hành xây dựng “Chương trình khung về hỗ trợ phát triển hoạt động ươm tạo doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn thành phố giai đoan 2016-2020” theo hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với ươm tạp doanh nghiệp và phối hợp với ngân hàng ADB, Công ty bảo hiểm AIA để triển khai các dự án hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp.
Hoạt động phát triển thị trường công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ đến doanh nghiệp cũng được chú trọng với hàng loạt các hoạt động như Sàn giao dịch công nghệ, Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) đa ngành, chuyên ngành,… Hoạt động cung cấp dịch vụ KH&CN đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và phục vụ sản xuất kinh doanh với các dịch vụ như cung cấp thông tin, đào tạo, tư vấn, phân tích thí nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, tiết kiệm năng lượng,… Điển hình là dịch vụ phân tích thí nghiệm doanh thu tăng 110% so với năm 2014, mở rộng thị phần tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung. Trên tinh thần không ngừng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH&CN, hiệu lực quản lý nhà nước đã có sự chuyển biến tích cực trên các mặt an toàn bức xạ, quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, công tác thanh tra, kiểm tra, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN tại cơ sở.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế về công tác thống kê, nắm bắt nhu cầu ứng dụng và đổi mới công nghệ, cung cấp thông tin và truyền thông...nên các chương trình hỗ trợ chưa thực sự đi vào chiều sâu, doanh nghiệp còn thiếu thông tin và chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích tham gia chương trình. Ví dụ, với chương trình ứng dụng KH&CN phục vụ tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, việc ứng dụng KH&CN nhằm tăng năng suất chất lượng cũng như tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa được doanh nghiệp chủ động triển khai mà phần lớn các doanh nghiệp tập trung vào các giải pháp ngắn hạn như sáp nhập, hợp nhất, chuyển giao doanh nghiệp,… Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý cũng còn hạn chế, tin học hóa các quy trình thủ tục cung cấp dịch vụ hành chính công còn chậm,…
Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LV. Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) cho biết, năm 2016 và phương hướng sắp tới tiếp tục nhấn mạnh quan điểm phát triển ứng dụng KH&CN phục vụ nhu cầu xã hội, đẩy mạnh đổi mới hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN, tăng cường vai trò truyền thông và tham mưu. Để KH&CN phát huy vài trò là động lực phát triển kinh tế, xã hội thì mỗi cán bộ, viên chức phải nỗ lực, đổi mới sáng tạo trong công việc để khuyến khích mọi thành phần xã hội đầu tư cho KH&CN. Tinh thần đổi mới sáng tạo thể hiện trong tư duy và hành động, luôn tìm hướng đổi mới công việc, cởi mở hợp tác để đưa nguồn lực KH&CN phục vụ đời sống thực tiễn. Ví dụ, những nhà khoa học chân đất với những sáng chế hữu ích, đi sát với nhu cầu của xã hội nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức, do vậy cần đổi mới tư duy hành động để làm sao có thể quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn nữa đến những nhà khoa học này.
Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ của năm 2016 là xây dựng và triển khai có hiệu quả công tác thống kê để phục vụ tăng cường năng lực quản lý nhà nước về KH&CN. Về nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tập trung thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm, đổi mới cơ chế xác định nhiệm vụ KH&CN gắn kết sát hơn với nhu cầu xã hội và có khả năng ứng dụng thực tiễn cao, xây dựng cổng thông tin kết nối nhu cầu xã hội với mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức KH&CN,…
Lam Vân