Ngày 14/1, Hội Tin học TP.HCM, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ (Thành đoàn TP.HCM) phối hợp với Tạp chí Tia sáng (Bộ Khoa học và Công nghệ) chính thức công bố về Ngày hội STEM TP.HCM với chủ đề “Chuyến du hành vũ trụ STEM” sẽ diễn ra trong hai ngày 16-17/1/2016 tại Đại học Sài Gòn.
STEM là viết tắt của khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineering) và toán học (Mathematics). Ngày hội là sáng kiến của cộng đồng giáo dục STEM Việt Nam cùng các phụ huynh, nhà giáo, tổ chức, doanh nghiệp hướng đến hiện thực hóa nhu cầu trang bị kiến thức và kỹ năng tích hợp về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và nghệ thuật cho trẻ em Việt Nam cần thiết trong thế kỷ 21. Giáo dục STEM là cách tiếp cận mới của thế giới trong dạy và học, trong đó tích hợp nội dung và kỹ năng khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học được tổ chức thường xuyên từ cấp trường đến cấp quốc gia tại nhiều nước Âu, Mỹ. Phương pháp học của STEM là vận dụng học thông qua thực hành, hướng học sinh liên hệ với các hiện tượng, vấn đề, nhu cầu của cuộc sống, thế giới, kết hợp với rèn luyện và vận dụng các kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 như tìm thông tin, lập luận logic, hợp tác, điều tra, suy nghĩ thấu đáo, sáng tạo, giải quyết vấn đề.
Ông Vũ Anh Tuấn (Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM) cho biết, Ngày hội STEM TP.HCM 2016 là sự tiếp nối thành công của Ngày hội STEM lần 1 tại Hà Nội vào tháng 5/2015, hướng đến mục tiêu nhân rộng mô hình giáo dục STEM tại Việt Nam. Tại ngày hội, không chỉ trẻ em tại TP.HCM, mà các em học sinh vùng sâu vùng xa cũng có cơ hội tiếp xúc với mô hình giáo dục này. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các trường thành lập câu lạc bộ em yêu khoa học. Nếu đưa STEM vào hoạt động của câu lạc bộ, phương pháp học tập của trẻ em sẽ được cải tiến theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai giáo dục STEM tại Việt Nam gặp phải thách thức khi chưa được nhiều người biết đến, chưa có chiến dịch cộng đồng tầm cỡ và dài hơi để quảng bá rộng rãi STEM cho ngành giáo dục, phụ huynh, học sinh và toàn xã hội.
Ban tổ chức công bố về Ngày hội STEM TP.HCM 2016. Ảnh: LV.
Ông Đoàn Kim Thành (Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ) cho biết, ngày hội STEM TP.HCM 2016 dự kiến sẽ đón hơn 2500 học sinh tiểu học (8 – 11 tuổi) trên địa bàn TP.HCM, khoảng 250 giáo viên, 2000 phụ huynh cùng những ai quan tâm đến giáo dục STEM, mong muốn cải tiến cách dạy và học theo chiều hướng tốt hơn. Ngày hội STEM có 4 hoạt động chính là lớp học STEM, STEM show, diễn đàn phụ huynh và sân chơi khoa học ngoài trời với các hoạt động hấp dẫn và hoàn toàn miễn phí cho tất cả trẻ em và người lớn tham dự.
Các lớp học STEM do các giáo viên đang giảng dạy tại các trung tâm STEM đứng lớp hướng dẫn và cho trẻ em thực hành tại chỗ, với các bài học mới lạ như: tìm hiểu về hệ mặt trời, lắp ráp mô hình robot, làm tên lửa từ vỏ chai nước, tìm hiểu cấu trúc cơ thể người, chiến binh toán suy luận, tư duy lập trình cho trẻ em, giới thiệu INDEX đến học sinh, lắp ráp và lập trình robot, tìm hiểu sao chổi và sao băng,… Song song đó, STEM show có các phần trình diễn đặc sắc và sinh động như biểu diễn mô hình máy bay, tìm hiểu về lực li tâm, ghép tranh toán học theo phương pháp giáo dục STEM,…
Diễn đàn phụ huynh về giáo dục STEM tại TP.HCM với các bài trình bày, phiên thảo luận bổ ích, hấp dẫn sẽ giúp phụ huynh hiểu về nhu cầu của giáo dục STEM, hiểu về cốt lõi của phương pháp giáo dục STEM, định hướng phụ huynh vào các hoạt động giáo dục STEM phù hợp, hỗ trợ phụ huynh tham gia cùng con trong các hoạt động giáo dục STEM. Trong hoạt động thảo luận tại diễn đàn phụ huynh, nhiều chủ đề hấp dẫn và bổ ích sẽ được các cá nhân tiêu biểu thành công trong STEM ở tầm quốc gia/thế giới và lãnh đạo của các tổ chức giáo dục STEM chia sẻ như: Xu hướng về nghề nghiệp STEM trong xã hội; Coding the future; Khoa học cho trẻ em; Xây dựng Câu lạc bộ khoa học trong trường học; Xã hội hóa STEM; Học qua dự án và lập trình games; STEAM English (STEAM=STEM+Art); STEM Robot; Toán học theo phương pháp STEM; STEM và nữ giới,…
Ngày hội STEM có sự góp mặt của các đại sứ có kinh nghiệm chuyên môn, thành công xuất sắc và sự am hiểu về STEM, giáo dục STEM như: GS.TS. Võ Văn Tới (Trưởng Bộ môn Kỹ thuật y sinh, Đại học Quốc tế TP.HCM), GS. Ngô Bảo Châu (Nhà toán học nổi tiếng, nhà sáng lập Vườn ươm tài năng TALINPA), Bà Lê Duy Loan (Senior Fellow Tập đoàn Texas Instruments), TS. Hoàng Lê Minh (Viện trưởng Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Vũ Minh Trí (Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam), ông Trần Đức Trung (Tổng Giám đốc Intel Việt Nam), Nguyễn Dương Kim Hảo (Nhà sáng tạo trẻ trong lĩnh vực tin học),…
Lam Vân