Tổng kết trao giải hội thi sáng tạo kỹ thuật TP.HCM lần thứ 23
10/11/2015
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Sáng 10/11, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM lần thứ 23 (2013-2014) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM và Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chủ trì đã trao giải thưởng cho 36 đề tài, giải pháp thuộc 6 nhóm chuyên ngành với 5 giải nhì, 14 giải ba và 17 giải khuyến khích. Các đề tài, giải pháp đạt giải đều đáp ứng 3 tiêu chí là tính mới, tính sáng tạo, có hiệu quả kinh tế - xã hội và có khả năng triển khai ứng dụng vào sản xuất, thương mại.
PGS.TS. Phan Minh Tân (Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT TP.HCM) cho biết, hội thi lần thứ 23 đã tiếp nhận 193 hồ sơ tham dự ở 6 chuyên ngành là: Giáo dục - đồ dùng dạy học; Điện - điện tử - công nghệ thông tin; Công nghệ môi trường - công nghệ hóa học; Công nghệ sinh học; Cơ khí - tự động hóa - giao thông vận tải; Y tế.
Ở lĩnh vực y tế có 20 giải pháp tham gia, đều có giá trị và ý nghĩa riêng, trong đó 6 giải pháp đạt giải đều có tính mới và đã được ứng dụng. Giải nhì “Xây dựng và đánh giá mô hình (tham vấn) phối hợp giữa nhân viên y tế và nhân viên xã hội, góp phần làm tăng hiệu quả của chương trình phòng ngừa lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con tại bệnh viện Hùng Vương” của PGS.TS. Vũ Thị Nhung và cộng sự có điểm mới là sự phối hợp giữa nhân viên y tế và nhân viên xã hội bị nhiễm HIV, tăng cường sự hiểu biết của thai phụ, giảm thiểu sự lây nhiễm từ mẹ sang con. Giải nhì “Điều trị mất vững khớp gối do đứt dây chằng chéo trước và chằng chéo sau” của TS.BS. Trương Hữu Trí và cộng sự có điểm mới là sử dụng mảnh ghép tự thân tăng cường vật lý trị liệu sau phẫu thuật với hiệu quả là cải thiện được cuộc sống sau này của bệnh nhân.
Giao lưu với các tác giả đạt giải. Ảnh: LV. Các giải nhì khác thuộc về các đề tài ở lĩnh vực công nghệ sinh học “Tạo và ứng dụng kháng thể đơn dòng kháng protein p16 INK4A trong chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung” của PGS.TS. Hồ Huỳnh Thùy Dương và công sự; lĩnh vực cơ khí tự động hóa - giao thông vận tải “Khoan mở ‘T’ trực tiếp trên đường ống phân phối nước” của tác giả Ngô Duy Thắng và cộng sự; lĩnh vực điện - điện tử - công nghệ thông tin “Bảng hiện chữ nổi điện tử dành cho người khiếm thị”,…
Theo ông Phan Minh Tân, số lượng 36/193 đề tài giải pháp đạt giải của hội thi lần này là không nhiều nhưng vẫn cho thấy hội thi luôn là một “sân chơi” thân thuộc của giới sáng tạo kỹ thuật và công nghệ trên địa bàn thành phố. Sau buổi tổng kết trao giải này, ban tổ chức sẽ chuyển tiếp các đề tài có giá trị ra tham dự Hội thi STKT toàn quốc và Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC), đồng thời cung cấp thông tin về các giải pháp này đến Sàn giao dịch công nghệ thuộc Sở KH&CN TP.HCM để tạo thêm nguồn cung cho thị trường sản phẩm KH&CN.
Trưng bày sản phẩm của đề tài đạt giải nhì ở lĩnh vực cơ khí tự động hóa. Ảnh: LV. Tại lễ tổng kết và trao giải, ban tổ chức cũng chính thức phát động giải thưởng Sáng chế TP.HCM lần thứ 4 (2015-2016) do Sở KH&CN TP.HCM chủ trì, dành cho mọi sáng chế đã được bảo hộ độc quyền, bắt đầu tiếp nhận hồ sơ từ hôm nay và tiến hành tổng kết trong năm 2016; Hội thi STKT TP.HCM lần thứ 24 (2015-2016) do Liên hiệp các Hội KHKT TP.HCM chủ trì, dành cho mọi đề tài, giải pháp kỹ thuật, bắt đầu nhận hồ sơ từ hôm nay và tiến hành tổng kết trong năm 2017; cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên – nhi đồng năm 2016 do Thành đoàn TNCS TP.HCM chủ trì; giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2016 do Liên đoàn lao động TP.HCM chủ trì.
Lam Vân