Quản lý mật độ đàn cá, tỷ lệ thành phần loài cá, quản lý các nút thắt về chất lượng nước; tăng cường truyền thông, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường; đưa mục tiêu quản lý đàn cá vào các chương trình quan trắc môi trường,… là những nhóm giải được đưa ra tại hội thảo “Cơ sở khoa học về sức tải thủy vực và chiến lược quản lý đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM và Đại học Nông Lâm TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 28/10, nhằm quản lý và phát triển bền vững đàn cá trong kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Ông Trần Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM cho biết, giữa năm 2013, TP kêu gọi tái tạo nguồn lợi thủy sản. Chi cục đã thả 205.000 con cá giống. Sau đó, vào các dịp lễ, tết, bà con cũng thả thêm để phục hồi. Năm 2014, lượng cá chết là 10 tấn, sau đó đã tăng lên gấp đôi vào năm 2015. Lượng cá chết tăng vọt trong năm 2016 với hơn 70 tấn. Quan sát cho thấy, cá chết nhiều nhất vào thời điểm giao giữa mùa khô và mùa mưa, nhưng thời gian gần đây, cá không chỉ chết vào thời điểm giao mùa mà cứ có mưa lớn là chết. Số lượng cá chết cũng tăng dần qua từng năm. Nguyên nhân cá chết vào thời điểm giao mùa là do lượng nước mưa đổ xuống lớn làm xáo trộn tầng đáy. Lượng bùn bã hữu cơ trong nước tăng làm ô nhiễm tăng. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu lý hóa trong nước vượt ngưỡng gây nên cá chết. Ngoài ra, trữ lượng cá sinh sản tự nhiên khá nhiều, tăng đều qua các năm nên khi xảy ra sự cố, cá chết cũng nhiều hơn.
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT) và PGS.TS Vũ Cẩm Lương chủ trì thảo luận tại hội thảo. Ảnh: LV.
Theo PGS.TS Vũ Cẩm Lương, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, chủ nhiệm đề tài “Cơ sở khoa học về sức tải thủy vực và chiến lược quản lý đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè”, trong hơn 10 loài thủy sản sinh sống dưới kênh Nhiêu Lộc – Thị nghè (cá trê lai, lóc, rô đồng, rô phi, tra, chép,...) thì số lượng cá rô phi chiếm nhiều nhất, với mật độ gần 7 con/m2, chiếm tỷ lệ tới 84,2% cá sống dưới kênh. Trong khi đó, rô phi và cá chép là những loài cá được cho là không có hệ hô hấp phụ, thích ứng với điều kiện môi sinh ở kênh, nhưng lại nhạy cảm với môi trường thay đổi đột ngột. Do vậy, trong các lần xuất hiện cá chết nhiều thì hai loại cá này là chủ yếu.
Với mật độ cá như hiện nay, PGS.TS Vũ Cẩm Lương nhận định là quá nhiều, vượt sức tải thủy vực của dòng kênh, cần tỉa bớt đàn cá rô phi để đưa tỉ lệ nguồn cá trên kênh trở về mức cân bằng. Cùng với đó là một số biện pháp có tính chất trước mắt, có thể thực hiện nhanh như: quan trắc môi trường nước; quản lý đóng - mở cửa ngăn triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè sao cho hợp lý, theo nguyên tắc không tháo nước trong kênh quá kiệt, không đưa nước vào cực đại giữa khuya và sáng sớm (thời điểm oxy trong nước thấp nhất trong ngày); bổ sung thời điểm quan trắc hàm lượng oxy hòa tan (DO) vào sáng sớm; chủ động quản lý nguồn cung DO cho nước kênh bằng các hình thức như tạo thành những vòi phun nước trên kênh, nước phun lên hút oxy rồi đưa oxy xuống nước, hay làm những quạt nước tạo oxy như mô hình quạt nước tại các ao nuôi tôm,… Ngoài ra, cần quản lý mật độ thả cá, cụ thể nên thả bổ sung những đối tượng đang còn ít như cá mùi, trê (tốt nhất là trê vàng bản địa), rô đồng, tra để tạo sự cân bằng trong quần thể.
Về lâu dài, các ý kiến tại hội thảo cho rằng, cần có giải pháp căn cơ, như thực hiện việc nạo vét lớp bùn hữu cơ tích tụ dưới kênh, kiểm soát nước thải, sự quản lý đồng bộ của nhiều cơ quan quản lý và ý thức bảo vệ môi trường của cả cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường cho dòng kênh,…
Với đề tài nghiên cứu của PGS.TS Vũ Cẩm Lương, Sở KH&CN TP.HCM đang chuẩn bị thành lập hội đồng đánh giá nghiệm thu và sẽ báo cáo lên UBND TP xem xét các giải pháp thực hiện.
Lam Vân