SpStinet - vwpChiTiet

 

ICCSE-3: chia sẻ nghiên cứu mới và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ tính toán

Với sự tham dự của những nhà khoa học đầu ngành, có uy tín trên thế giới trong các lĩnh vực lý sinh học và y sinh học tính toán, hóa học tính toán, vật liệu nano, toán học ứng dụng, khoa học tính toán môi trường, Hội thảo quốc tế về Khoa học kỹ thuật Tính toán lần 3 (ICCSE-3) do Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán tổ chức trong hai ngày 28-29/11/2016 tại TP.HCM đã mang đến những chia sẻ và công bố mới nhất trong các lĩnh vực này. Hội thảo cũng mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu và phát triển những công nghệ mới trong tương lai như thiết kế dược phẩm, pin quang điện, mô hình hóa môi trường, dự báo tác động biến đổi khí hậu và nhiều lĩnh vực khác.
 
Dưới sự bảo trợ của Ủy ban Nhân dân TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, ICCSE-3 được tổ chức định kỳ 2 năm một lần (lần đầu diễn ra vào năm 2011). ICCSE-3 quy tụ gần 200 đại biểu là các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, các giảng viên, nghiên cứu viên, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế như Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Nhật Bản,... cùng 89 bài thuyết trình, phiên triển lãm 65 posters của các tác giả có uy tín trong và ngoài nước.
 
Trong đó, giáo sư Levent Kavvas (khoa Kỹ thuật Tài nguyên nước, Đại học California, Mỹ) trình bày bài giảng về “Mô hình tích hợp thủy văn và khí quyển cho phạm vi lưu vực sông nhằm ứng dụng cho các lưu vực không có hoặc thiếu dữ liệu”. Nội dung này đề cập đến mô hình hệ thống toàn cầu, áp dụng cho các lưu vực sông có diện tích khác nhau, với sự tích hợp các quá trình vận chuyển của khí quyển ở lớp biên, lớp gần bề mặt mặt đất, với các quá trình thủy văn nước ngầm. Phương pháp mô hình hóa được đề xuất rất hữu ích cho các lưu vực với địa hình và thảm thực vật phức hợp, bởi các thành phần của mô hình thủy văn dựa trên mô phỏng phương trình và các tham số thủy văn cho lưới tính toán lưu vực sông.
 
Thiết kế các nguyên tắc chi phối sự vận động của các động cơ myosin” là bài giảng của giáo sư Devarajan Thirumalai. Ông là Giám đốc chương trình Lý – Sinh của Đại học Maryland, Mỹ. Trong bài giảng, giáo sư trình bày lý thuyết mô tả các hiện tượng Myosin V, protein động cơ hai đầu. Lý thuyết chỉ ra các nguyên tắc thiết kế hóa học và cấu trúc chi phối chức năng ổn định của động cơ, đồng thời cho thấy công nghệ sinh học có thể thay đổi động lực học của nó.
 
Bài giảng “Vai trò của hóa lượng tử trong mô phỏng các quá trình hóa học phức tạp,  ứng dụng cho quá trình đốt cháy nhiên liệu đến phản ứng phân tách nước” đã được giáo sư Ming Chang Lin (Đại học Giao thông Quốc gia Đài Loan) trình bày tại hội thảo. Bài giảng được cụ thể hóa bằng những ví dụ chọn lọc về sự hữu ích và tính hiệu quả của mô phỏng hóa học lượng tử trong việc làm rõ cơ chế phản ứng phức tạp về quá trình đốt cháy, quá trình đẩy phản lực của nhiên liệu và các hệ phân tách nước bằng năng lượng mặt trời. Cụ thể là động học và cơ chế của quá trình tạo thành hợp chất nitrogen oxide từ việc đốt cháy hydrocarbon, phản ứng khởi đầu trong quá trình đẩy phản lực của ammonium perchlorate và tác dụng của việc pha trộn kim loại vào các hạt nano TiO2 để tăng hiệu quả phân tách nước dựa trên kết quả thu được từ các tính toán hóa lượng tử hiện đại và cũng như việc so sánh với các dữ liệu thực nghiệm.
 

Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng phát biểu khai mạc hội thảo.
 
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) nhấn mạnh, ICCSE-3 là diễn đàn để các nhà khoa học nghiên cứu tính toán chia sẻ kinh nghiệm và các cơ hội thực tế, mang lại lợi ích xã hội và tiếp nối các thành tựu KH&CN tính toán trên toàn thế giới. Hội thảo cũng là cơ hội tốt để các sinh viên, nghiên cứu viên học hỏi được nhiều kinh nghiệm bổ ích từ các nhà khoa học đầu ngành, từ đó có động lực phát triển cao hơn trong lĩnh vực KH&CN tính toán.
 
Ngoài ra, hội thảo lần này kỳ vọng sẽ đẩy mạnh giao lưu, hợp tác và phát triển KH&CN và ứng dụng tính toán trong và ngoài nước, khuyến khích, thu hút đầu tư cho lĩnh vực KH&CN nói chung và lĩnh vực tính toán nói riêng nhằm hướng tới một nền khoa học hiện đại, có định hướng ứng dụng cao. 
 

ICCSE-3 thu hút gần 200 đại biểu trong và ngoài nước tham dự.
 
Được biết, Viện KH&CN Tính toán, kể từ ngày thành lập đến nay, đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài, kết hợp hoạt động nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, cũng như thúc đẩy chuyển giao công nghệ tính toán vào các ngành khoa học mũi nhọn tại Việt Nam. Đặc biệt, Viện đã thu hút được sự tham gia của các nghiên cứu sinh, nhà khoa học Việt kiều đang nghiên cứu và làm việc tại nước ngoài, góp phần đổi mới nghiên cứu khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của thành phố.
 
Một số đề tài ứng dụng đã được Viện thực hiện thành công như: hệ thống quản lý thông tin môi trường, hiện được triển khai sử dụng tại Trung tâm Quan trắc môi trường TP.HCM; prototype mô hình tính toán phỏng đoán chất lượng nước cho sông Sài Gòn; xây dựng hệ thống dự báo chất lượng không khí vùng TP.HCM; hệ thống chia sẻ dữ liệu chẩn đoán hình ảnh iTele-Medicare,…
Lam Vân
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả