Theo GS.TS. Lưu Duẩn (Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam), trong ngành sản xuất thực phẩm, Việt Nam còn nhiều hạn chế. Cụ thể như sản phẩm nông sản đa dạng về chủng loại nhưng năng suất, chất lượng, giá trị còn thấp, tổn thất sau thu hoạch cao; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và quản lý chất lượng còn hạn chế (chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, các phương pháp truyền thống vẫn tiếp tục được sử dụng để phát triển vụ mùa như trồng trọt, chăm sóc, cắt tỉa và thu hoạch, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ còn yếu kém);… Ngành chế biến thực phẩm chủ yếu sử dụng các kỹ thuật truyền thống, công nghệ chế biến chủ yếu nhập ngoại,… Do vậy, Việt Nam cần quan tâm đến một số vấn đề trong phát triển ngành công nghiệp thực phẩm như cải tiến phương thức trồng trọt, thu hoạch, đóng gói sản phẩm; cải tiến công nghệ sản xuất thực phẩm truyền thống; sử dụng hợp lý các loại bao bì tiên tiến. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần cải tiến, sử dụng công nghệ và thiết bị mới, hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
GS. Lưu Duẩn cũng cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp rất quan tâm đến việc giảm chi phí cho bao bì sản phẩm bởi trong các chi phí tạo thành một sản phẩm, chi phí dành cho bao bì có thể chiếm tới 50%. Bao bì là một trong những vấn đề quan trọng nhất của ngành sản xuất thực phẩm. Sự phát triển của ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ đóng gói bao bì hiện nay đang quan tâm công nghệ sản xuất bao bì tiết kiệm chi phí, thân thiện môi trường, bao bì thông minh, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm.
GS. Lưu Duẩn và ông BT Tee trao đổi về những vấn đề quan tâm trong ngành công nghệ thực phẩm hiện nay. Ảnh: LV.
Các vấn đề này sẽ được đề cập tại các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn trong khuôn khổ chuỗi triển lãm như: hội thảo chuyên đề công nghệ thực phẩm Việt Nam “Thành tựu trong công nghệ và kỹ thuật chế biến và bao gói thực phẩm”; hội thảo Các công nghệ phân tích trong quá trình chế biến và an toàn thực phẩm – chất chuẩn: nhu cầu và khả năng đáp ứng; Nâng cao hiệu suất toàn phần của thiết bị thông qua ứng dụng hệ thống sản xuất tinh gọn Lean và bảo trì năng suất tổng thể TPM; Quy trình và kỹ thuật phát triển sản phẩm nhanh ứng dụng cho khởi nghiệp tinh gọn;…
Theo ông BT Tee (Tổng giám đốc Công ty UBM VES, đơn vị tổ chức triển lãm), lĩnh vực chế biến và đóng gói bao bì là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh ở Việt Nam nhờ vào những dấu hiệu tích cực như cơ cấu dân số trẻ, thói quen tiêu dùng thay đổi, thu nhập người dân tăng cao và đặc biệt là nhu cầu nguồn thực phẩm chế biến sẵn ngày một lớn. Sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến đóng gói có tác động đáng kể đến cơ cấu các ngành sản xuất và công nghiệp khác, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chuỗi triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 20 – 22/3 tại TP.HCM. Dự kiến hơn 420 doanh nghiệp đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Đài Loan, Đan Mạch, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Ý, Trung Quốc,... sẽ trưng bày giới thiệu nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại, có tính ứng dụng cao. Có thể kể đến các công nghệ chế biến và đóng gói thực phẩm, dược phẩm, nước giải khát; công nghệ đóng chai, đánh dấu mã vạch, đóng nhãn và in ấn; đóng hộp và sản xuất đồ hộp; thiết bị xử lý, đo lường và lưu trữ nguyên vật liệu thực phẩm; công nghệ an toàn vệ sinh thực phẩm; công nghệ môi trường, xử lý chất thải; nguyên liệu thực phẩm; công nghệ chế biến, đóng gói dược mỹ phẩm; công nghệ, các giải pháp tích hợp, các sản phẩm về nhựa và cao su (bán thành phẩm và các bộ phận kỹ thuật), cũng như các nguyên vật liệu dùng trong sản xuất. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tiếp cận những công nghệ mới nhất trong ngành công nghiệp chế biến đóng gói, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất thực phẩm cũng như mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đơn vị cung ứng và khác hàng tiềm năng.