Theo đó, chương trình này dự kiến có 4 dự án thành phần: Xây dựng chương trình TBG máu dây rốn cộng đồng phục vụ cho điều trị bệnh; Nghiên cứu phát triển công nghệ TBG “off-the-shelf” (sử dụng trực tiếp) ứng dụng trong chế tạo các sản phẩm thuốc và mỹ phẩm; Sản xuất quy mô thử một số sản phẩm chứa TBG và từ TBG phục vụ điều trị bệnh và chống lão hóa; Thử nghiệm lâm sàng một số sản phẩm được sản xuất trong nước nhằm điều trị các bệnh phổ biến.
Mục tiêu của chương trình là xây dựng thành công chương trình TBG máu dây rốn cộng đồng; nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất TBG trung mô từ dây rốn, tủy xương, mô mỡ, đáp ứng các yêu cầu về ghép lâm sàng; nghiên cứu chế tạo và sản xuất quy mô thử nghiệm các sản phẩm chứa TBG và chứa các chất từ TBG; thử nghiệm lâm sàng một số sản phẩm được sản xuất trong chương trình này để điều trị các bệnh phổ biến như tắc nghẽn phổi mãn tính, đái tháo đường, viêm gan, ung thư,…
Phạm vi thực hiện Chương trình là các cơ sở, đơn vị có nghiên cứu, ứng dụng TBG trên địa bàn TPHCM. Đối tượng thực hiện là các phòng thí nghiệm, các công ty, bệnh viện có hoạt động nghiên cứu ứng dụng TBG trong ba năm trở lại đây, có đủ năng lực thực hiện các dự án.
PGS.TS Phạm Văn Phúc (Viện trưởng Viện Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, nhu cầu sử dụng TBG trong điều trị bệnh và thẩm mĩ đang rất lớn. Vì vậy, thành phố nên đầu tư cho Chương trình KH&CN mục tiêu về nghiên cứu và ứng dụng TBG, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân TP.HCM và cả nước. Đồng thời, nâng cao năng lực về KH&CN, khám chữa bệnh cho người dân của các đơn vị nghiên cứu và ứng dụng TBG trên địa bàn. Việc điều trị bằng TBG đến nay được chia làm 4 thế hệ. Thế hệ thứ 1, thứ 2 là ghép hỗn hợp giàu TBG và ghép TBG đã làm tinh sạch. Hiện tại, các đơn vị nghiên cứu của Việt Nam đã thực hiện thành công những phương pháp này. Phương pháp sử dụng TBG “off the shelf” (sử dụng trực tiếp) là thế hệ thứ 3 trong điều trị bằng TBG. Đây cũng được dự đoán là phương pháp sẽ bùng nổ trong thời gian sắp tới và cũng là đối tượng tập trung chính của chương trình.
Ông Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: LV.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), việc thực hiện chương trình sản phẩm mục tiêu KH&CN cần tạo ra sản phẩm cụ thể, giải quyết một số vấn đề cụ thể của Thành phố, khắc phục điểm yếu đầu tư KH&CN dàn trải, không tập trung được nguồn lực cần thiết. Trong đó, chương trình sản phẩm mục tiêu về TBG nhằm tạo ra thế mạnh cho Thành phố, qua đó giúp tăng cường ứng dụng thành quả KH&CN vào thực tế và gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học với các doanh nghiệp. Sở KH&CN TP.HCM sẽ phối hợp với Hội Tế bào gốc TP.HCM để tập hợp các đơn vị có nghiên cứu TBG trên địa bàn thành phố. Quá trình thực hiện cũng có sự tham gia của các sở, ban, ngành có liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính. Sở KH&CN cũng sẽ đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp tham gia chương trình khi được UBND Thành phố thông qua.