Từ năm 2013 đến nay, trên toàn thế giới đã triển khai khoảng 30 thành phố được chứng nhận đạt chuẩn là thành phố thông minh. Dự kiến đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên gấp 4 lần.
Tại Việt Nam, giải pháp thành phố thông minh hiện mới được đề xuất thử nghiệm tại một số thành phố như: Đà Nẵng, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đà Lạt… với các dịch vụ thông minh xoay quanh đối tượng trọng tâm là con người. Khung giải pháp dựa trên hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin - dịch vụ thông minh - trung tâm vận hành.
Mặc dù công nghệ thông minh, phương tiện thông minh, dịch vụ thông minh, hệ thống thông minh… rất quan trọng, nhưng để có thể kết nối tất cả các thành tố trên thành một hệ thống chỉnh thể, vận hành nhịp nhàng, phối hợp hiệu quả thì cần phải có tiêu chuẩn.
Đại diện Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) cho biết, các tiêu chuẩn trong phát triển thành phố thông minh có ý nghĩa cho các nhà cung cấp dịch vụ, nhà vận hành, cơ quan quản lý và người khai thác để có một ngôn ngữ chung, một cách tiếp cận thống nhất trong triển khai áp dụng, giao dịch, đánh giá, kiểm tra, quản lý chất lượng, liên kết phối hợp, chia sẻ khai thác chung. Do vậy, để phát triển thành phố thông minh hiệu quả, cần phải có tiêu chuẩn từ tiêu chuẩn kỹ thuật; tiêu chuẩn về dữ liệu; tiêu chuẩn quản lý tạo ra một khuôn khổ giao tiếp chung, các thành tố khác nhau đều có một định dạng kết nối chung.
Tiêu chuẩn kỹ thuật giúp tạo ra sự kết nối giữa các bộ phận; tiêu chuẩn về dữ liệu sẽ giúp đảm bảo một khuôn mẫu dữ liệu chuẩn, thống nhất áp dụng cho mọi mức độ, nhu cầu khai thác khác nhau, đảm bảo tính bảo mật thông tin truy cập và khai thác; tiêu chuẩn quản lý tạo ra một khuôn khổ giao tiếp chung, các thành tố khác nhau đều có một định dạng kết nối chung. Tất cả những điều này rất có ý nghĩa cho các nhà cung cấp dịch vụ, nhà vận hành và người khai thác để có một ngôn ngữ chung, một cách tiếp cận thống nhất trong triển khai áp dụng, kiểm tra, đánh giá, giao dịch, quản lý chất lượng, liên kết phối hợp, chia sẻ khai thác. Nếu thiếu tiêu chuẩn, thì thành phố thông minh sẽ chỉ là những mảng sáng rời rạc, không có tính liên kết, không có tính tổng thể và tất nhiên là sẽ không thể phát huy hiệu quả cao nhất của một đô thị hiện đại.
Tiêu chuẩn hóa 'không thể thiếu' trong phát triển thành phố thông minh
Cơ quan tiêu chuẩn hóa là thực thể không thể thiếu trong việc triển khai thành phố thông minh. Vai trò của cơ quan này thực hiện đặc biệt quan trọng, đảm bảo thống nhất một thuật ngữ chung và các đặc trưng tối thiểu cho thành phố thông minh. Một trong những ưu tiên là phải xây dựng ngôn ngữ chung thông qua tiêu chuẩn cho tất cả các bên liên quan, góp phần làm rõ hơn và hài hòa nhiều hơn trong lĩnh vực thành phố thông minh.
Ngoài ra, thành công của việc triển khai thành phố thông minh sẽ phụ thuộc vào việc xác định các phương pháp đo để đánh giá hiệu quản và tính bền vững của các dịch vụ thành phố trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông.
Ngoài việc xác định các tiêu chuẩn cụ thể cho thành phố thông minh, cũng cần xem xét các tiêu chuẩn khác như tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng, tăng mức độ an toàn hoặc giảm thiểu ô nhiễm, góp phần vào việc xây dựng một thành phố thông minh. Tiêu chuẩn chính là yếu tố gắn kết các bên liên quan, các yếu tố cấu thành và vận hành thành phố thông minh.
Để đảm bảo phát triển thành phố bền vững, theo mô hình tiêu chuẩn sẽ chú trọng vào các giải pháp đảm bảo vận hành hạ tầng thành phố hiệu quả, giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời có kế hoạch sử dụng tài nguyên hợp lý. Chẳng hạn như đối với giao thông là các giải pháp quản lý xe, thu phí, đậu xe, biển báo...; đối với năng lượng và nước sạch thì quản lý lưới điện, phân tích tiêu dùng nước và điện; đối với tòa nhà, chúng ta có tòa nhà thông minh, với nhà ở của cư dân thì chúng ta có nhà thông minh.
Nhận thức được điều này, các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu như ISO, IEC, ITU, CEN-CENCELEC… đã rất tích cực nghiên cứu, triển khai dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về thành phố thông minh, trong lĩnh vực tiêu chuẩn chuyên ngành của họ.
Tháng 6/2015, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã thành lập Nhóm Tham vấn Chiến lược (SAG) trực thuộc Ban Quản lý Kỹ thuật (TMB) xây dựng chiến lượng, định hướng phát triển tiêu chuẩn quốc tế ISO về Smart City. Nội dung các tiêu chuẩn này tập trung vào việc định hình và phát triển bền vững cộng đồng, đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống và dịch vụ cung cấp cho cộng đồng.
Trong thời gian qua, Tổng cục TCĐLCL rất quan tâm và chỉ đạo sát sao, đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về thành phố thông minh, tập trung xây dựng TCVN trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC, ITU… đồng thời cử chuyên gia tham gia sâu vào hoạt động kỹ thuật vào ISO/TC 268, TC 268/SC1, thúc đẩy tuyên truyền phổ biến áp dụng tiêu chuẩn về thành phố thông minh tại Việt Nam, tăng cường liên kết với địa phương nhằm tìm hiểu mong muốn, nguyện vọng và khó khăn thực tiễn đang gặp phải, để có những đề xuất giải pháp hợp lý hỗ trợ địa phương về công tác tiêu chuẩn hóa.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải cho biết, lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL rất quan tâm và đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về thành phố thông minh. Trong đó có việc nghiên cứu xây dựng quy hoạch hệ thống các TCVN phục vụ triển khai thành phố thông minh; bám sát mục tiêu hài hoà tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các tổ chức tiên tiến hàng đầu, điều chỉnh phù hợp với điều kiện Việt Nam...