SpStinet - vwpChiTiet

 

Khởi nghiệp từ sáng chế: doanh nghiệp gặp khó khăn

Ngày 25/4, tại TP.HCM, Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức hội thảo “Sáng chế với khởi nghiệp sáng tạo”. Hội thảo đã cung cấp thông tin, quy định pháp luật về bảo hộ sáng chế; trình bày và thảo luận về vai trò của sáng chế trong sản xuất, kinh doanh và trong khởi nghiệp sáng tạo, các chính sách hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp trên sáng chế, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp khởi nghiệp bằng sáng chế,…

Theo ông Phan Ngân Sơn (Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ), Bộ Khoa học và Công nghệ và Cục Sở hữu trí tuệ đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó bao gồm hoạt động tư vấn, hỗ trợ các đơn vị khởi nghiệp đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các startup nên sớm đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, sáng chế,… nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do quốc tế, các doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài và phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, việc bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ (TSTT), trong đó bao gồm các sáng chế sẽ trở nên cần thiết.

Theo ông Trần Giang Khuê (Phó Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM), khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp phát triển dựa trên một công nghệ mới hoặc một hình thức kinh doanh mới. Tại Việt Nam đã xuất hiện một số phát minh khoa học hữu ích dựa trên nhu cầu sử dụng của nông dân, doanh nghiệp,… và các sáng chế này cần phải đăng ký sớm. Khi doanh nghiệp dự định đăng ký sáng chế, cần tránh để lộ thông tin trước khi nộp đơn (ví dụ như báo cáo hội thảo, quảng cáo, đăng tải trên báo,…) và không bán sản phẩm trước khi nộp đơn.

Tại hội thảo, chia sẻ những khó khăn thách thức mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trìnhkhởi nghiệp từ sáng chế, ông Thân Thế Hào (Giám đốc Công ty TNHH Ninh Phong) cho hay, hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn ngại đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm mới; ngân hàng chưa quan tâm đối với các sản phẩm khởi nghiệp; nhiều rủi ro trong bảo mật các ý tưởng sáng chế;…

Cụ thể, Ninh Phong khởi nghiệp từ sáng chế nên dựa theo đặc thù của từng sản phẩm phát triển trên nền các sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, với các định hướng như khởi nghiệp bằng cách trực tiếp sản xuất và phân phối sản phẩm trên thị trường; dùng TSTT để góp vốn với các đối tác; cấp quyền sử dụng TSTT để tạo vốn cho khởi nghiệp; chuyển nhượng hoàn toàn TSTT để tạo vốn. Tuy nhiên, trong quá trình khởi nghiệp, Ninh Phong gặp không ít khó khăn như cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp còn thiếu hiểu biết về pháp luật SHTT, còn nặng tính sao chép. Ngoài ra, tâm lý vọng ngoại, đánh giá thấp công nghệ và sáng chế trong nước; hạ tầng công nghệ, vốn, nhân lực của doanh nghiệp chưa đáp ứng việc khởi nghiệp từ sáng chế; sự hỗ trợ về vốn của các cơ quan nhà nước còn thiếu và chưa phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ; thiếu kiến thức thị trường và các mối quan hệ để đưa sản phẩm vào thương mại;… cũng là những trở ngại của doanh nghiệp khởi nghiệp từ sáng chế.

Ông Phạm Xuân Đà (Cục trưởng Cục Công tác phía Nam - Bộ KH&CN) cho biết, để hỗ trợ hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp dựa trên TSTT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” với nhiều mục tiêu thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn có một số chính sách liên quan như Chương trình phát triển thị trường công nghệ đến năm 2020, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp về ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp KH&CN; Chương trình hỗ phát triển TSTT 2016 – 2020; Dự án FIRST, IPP2 về đổi mới sáng tạo, Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo;… Tuy nhiên, một số chính sách ưu đãi chưa đến được với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể là, các chương trình, dự án hiện nay chủ yếu tập trung vào khâu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ; chương trình hỗ trợ đa phần chỉ mới hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN ở mức vừa và nhỏ; chưa có những đào tạo liên quan đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo;…

Để quá trình khai thác và chuyển giao công nghệ, sáng chế được thuận lợi hơn, các ý kiến tại hội thảo đồng tình với mong muốn của ông Thân Thế Hào: tăng cường vai trò của Hội sáng chế Việt Nam trong việc kết nói đầu tư và hỗ trợ tư vấn hợp tác triển khai sáng chế giữa doanh nghiệp và nhà sáng chế. Nhà nước cần có chính sách và phổ biến thông tin về việc hỗ trợ tài chính cụ thể cho các doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm từ sáng chế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác hỗ trợ thẩm định nhu cầu thị trường đối với sản phẩm từ sáng chế; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê chuyên ngành phục vụ công tác thẩm định giá sáng chế; xem xét và đánh giá lại hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay, đặc biệt là đối với sáng chế hay các giải pháp kỹ thuật, cần có sự linh động trong chính sách đối với các nhóm đối tượng khác nhau; xây dựng các mô hình công ty lớn kết nghĩa với một công ty khởi nghiệp; thành lập tổ chức tư vấn chuyên sâu gồm các chuyên gia và nhà sản xuất có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực;…

Ông Phạm Xuân Đà cho rằng, Nhà nước cần xây dựng chính sách khuyến khích các nhà đầu tư thiên thần, thành lập và vận hành quỹ đầu tư mạo hiểm. Đây là nhóm biện pháp hỗ trợ tài chính để Nhà nước khuyến khích tư nhân tham gia vào hoạt động đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, ban hành các chính sách tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp quốc gia, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 844/QĐ-TTg.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả