SpStinet - vwpChiTiet

 

Truyền thông hỗ trợ thị trường KH&CN: tìm tiếng nói chung giữa các bên liên quan

Ngày 23/12, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội thảo “Thị trường KH&CN và truyền thông”. Nhiều hạn chế trong các khâu trung gian của thị trường KH&CN, trong đó có truyền thông, đã được các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, cùng các nhà báo mổ xẻ, đối thoại thẳng thắn. Một trong những nguyên nhân của tình trạng yếu kém là do các bên chưa hiểu nhau, chưa thực sự tìm được tiếng nói chung.

Tại TP.HCM, thị trường KH&CN là một trong những thị trường nổi bật, bên cạnh các thị trường bất động sản, tiêu dùng,… và đóng vai trò lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Thanh (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), hiện thành phố chỉ có 9,3% doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ. Thời gian tới, trong quá trình hội nhập, nếu không đổi mới công nghệ, doanh nghiệp có thể thua ngay trên sân nhà. Việc này là cấp thiết, do đó cần phải có chiến lược, biện pháp truyền thông mạnh mẽ, thiết thực. Nhà nước chỉ ban hành cơ chế chính sách, chứ không thể làm thay việc thúc đẩy thị trường. Vì vậy, phải đưa được cơ chế chính sách đến với doanh nghiệp, cũng như tìm hiểu nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp. Truyền thông là một trong những kênh tốt nhất có thể làm việc này.
 

Ông Nguyễn Khắc Thanh (Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) chủ trì hội thảo.
 
Một thực tế cũng được hội thảo đề cập là những người làm ra, chủ của sản phẩm công nghệ tại Việt Nam còn hạn chế trong cách thức PR, quảng bá sản phẩm của mình. Họ làm giỏi, sản phẩm tốt nhưng chưa biết cách để sản phẩm trở nên hấp dẫn trong đời sống. Một minh chứng cụ thể là ông Nguyễn Văn Nam (Giám đốc Công ty Nhật Quang), người sở hữu công nghệ gạch âm dương rất hữu ích nếu ứng dụng cho ngành xây dựng, thừa nhận mình rất lúng túng khi tiếp xúc với giới truyền thông và chưa biết cách truyền thông sản phẩm sao cho thu hút người nghe, người đọc.

Lý giải về vấn đề này, bà Bùi Thị Kim Dung (Đại học Bách Khoa TP.HCM) cho rằng, các nhà sáng chế thường tâm đắc về sáng chế của mình, nên khi trình bày thường nói những thông tin chủ yếu mang tính học thuật, hàn lâm, nguyên lý kỹ thuật khó hiểu. Trong khi khách hàng hoặc người tiêu dùng chỉ muốn biết tác dụng của sản phẩm ấy ra sao, tốt như thế nào, lợi ích khác biệt khi sử dụng so với các sản phẩm khác,…

Mặt khác, theo ông Đặng Vỹ (Tạp chí Nhà Quản lý), nguyên nhân truyền thông mảng KH&CN chưa hiệu quả là do các phóng viên, thường là phóng viên trẻ, rất ngại các mảng có chuyên môn sâu. Những mảng thuộc chuyên ngành như chứng khoán, bóng đá, KH&CN,… đòi hỏi người viết không những phải có kiến thức chuyên môn mà còn phải có kinh nghiệm. Vừa phải viết những đề tài khô khan, khó hiểu, vừa phải hướng đến việc truyền tải thông tin một cách mềm mại, dễ hiểu, hấp dẫn người đọc, cũng là một trong những trở ngại của phóng viên viết mảng KH&CN. Trong khi đó, các nhà khoa học thì lại ít quan tâm đến truyền thông vì quan niệm rằng người sử dụng của mình ít, không cần truyền thông rộng rãi. Nhà khoa học chỉ nghiên cứu, cũng không hiểu truyền thông.

Dự kiến trong thời gian tới, Sở KH&CN TP.HCM sẽ ra mắt cổng thông tin hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; cổng thông tin sáng kiến cộng đồng; cổng thông tin giao dịch công nghệ, khởi nghiệp; triển khai các hoạt động truyền thông về chương trình phát triển thị trường KH&CN nhằm quảng bá các nội dung, chính sách về KH&CN của thành phố,… Đồng thời, lãnh đạo Sở KH&CN TP.HCM cam kết hỗ trợ tổ chức thường xuyên các buổi hội thảo, tọa đàm, để các bên liên quan như nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà báo có thể đối thoại, tháo gỡ những điểm vướng mắc và chung tay tạo ra sự thay đổi hữu ích trong truyền thông hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả