Tại Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), bên cạnh việc giải thích, trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh đã làm rõ hơn những nội dung sửa đổi và trình bày báo cáo về một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBTVQH và Quốc hội mà chưa được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh báo cáo tại Phiên họp thứ 8 của UBTVQH
6 nhóm nội dung trọng tâm
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường tại Kỳ họp thứ Hai, Ban soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UB KH, CN&MT) Quốc hội và các cơ quan liên quan chỉnh sửa Dự thảo Luật. Theo đó, 6 nhóm ý kiến lớn được chỉnh sửa trong Dự thảo Luật kỳ này đã bao quát được hết ý kiến của các đại biểu trong Kỳ họp thứ 2. Cụ thể là, chính sách của Nhà nước về CGCN nói chung; chính sách của Nhà nước về CGCN với lĩnh vực nông nghiệp nói riêng; các biện pháp khuyến khích thúc đẩy CGCN; thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư; hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ; quản lý nhà nước trong hoạt động CGCN cùng với một số nội dung khác.
Dự thảo Luật có 7 Chương, 62 Điều, Ban soạn thảo đã xem xét thay thế 11 điều cũ bằng cách bổ sung 8 điều mới, điều chỉnh, ghép thêm 3 điều, rút 1 chương, điều chỉnh lại kết cấu và hiện đã đảm bảo bao quát được toàn bộ phạm vi điều chỉnh chính sách của Nhà nước trong hoạt động CGCN, công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, phát triển thị trường KH&CN, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới và CGCN.
Đối với chính sách KH&CN, đã cập nhật và xử lý, đưa vào những nội hàm mới. Hơn nữa, nhìn ở góc độ quản lý, từ quy định, phân định trách nhiệm, kiểm tra giám sát đối với dự án đầu tư,… đều đã được thực hiện cụ thể trong 1 chương 21 điều. Đồng thời, trách nhiệm quản lý Nhà nước trên tất cả các khâu đối với bộ, ngành, UBND các tỉnh, tổ chức, cơ quan có liên quan đã đảm bảo theo 2 hướng khuyến khích và ngăn chặn như các đại biểu Quốc hội đã nêu.
Về ngăn chặn, hạn chế thiết bị CGCN vào Việt Nam, Ban soạn thảo đã đưa các nội dung bao quát trong 1 chương 16 Điều, cụ thể được trách nhiệm quản lý Nhà nước với các dự án thẩm định công nghệ. Quốc hội đã thống nhất rất cao về điều này. Đồng thời, quy định trách nhiệm sau khi thẩm định tiếp tục kiểm tra, giám sát để đảm bảo trách nhiệm cao nhất.
“Một mảng rất lớn của Dự thảo Luật đó là tạo môi trường thuận lợi và tăng cường xã hội hóa với CGCN. Với 1 Chương 21 Điều đã đưa vào những nội hàm về xã hội hóa, khuyến khích hợp tác công – tư, triển khai các dự án theo hướng cả xã hội hóa và phối hợp với Nhà nước để tăng cường hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Đó cũng là điều các Đại biểu Quốc hội quan tâm”, Bộ trưởng cho biết thêm.
Cũng theo Bộ trưởng, riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thường trực Uỷ ban đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp sửa 20 điều trong Dự thảo kỳ trước thành 30 điều, với mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở những khu vực khó khăn và nhanh chóng đưa vào cuộc sống những hoạt động này.
“Điều 49 cũng nhằm giải quyết một đặc thù riêng trong lĩnh vực nông nghiệp với mong muốn đưa nhanh nhất các tiến bộ kỹ thuật thực chất chưa phải là công nghệ vào phục vụ nông nghiệp nông thôn. Điều 49 đã xử lý căn bản đặc thù khuyến khích chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ ban hành danh mục để làm cơ sở, và các tổ chức liên quan. Cùng với đó, tổ chức thực hiện gắn với các chương trình khuyến nông để đảm bảo tốt nhất hoạt động này. Tôi tin việc này sẽ thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sắp tới”, Bộ trưởng nói.
Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) đưa một số nội dung nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở những khu vực khó khăn
Tạo điều kiện giải phóng năng lực sáng tạo
Bộ trưởng cũng đã báo cáo một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBTVQH và Quốc hội mà chưa được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ. Một, trong quá trình tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, chúng ta đặt vấn đề thẩm định công nghệ để lọc ra những dự án đầu tư có dấu hiệu cũng như nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, về vấn đề thời hạn, Luật Đầu tư quy định 15 ngày nhưng với những trường hợp như đặt vấn đề xử lý trong dự thảo Luật CGCN lần này, thậm chí có nhiều trường hợp còn phải mời chuyên gia nước ngoài để thẩm định, đánh giá hệ thống công nghệ, thì chắc chắn thời hạn yêu cầu phải tăng lên. Đây là nội dung vượt quy định hiện nay của Luật Đầu tư, rất cần ý kiến từ phía UBTVQH.
Hai, xung quanh thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hiện nay, chúng ta muốn giải phóng và thúc đẩy mạnh hoạt động sáng tạo trong cả nền kinh tế, việc giao quyền kết quả nghiên cứu hết sức quan trọng. Việc này đã được đặt một phần vấn đề trong tinh thần của Luật KH&CN sửa đổi năm 2013. Kỳ này trong dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) có đưa vào nội dung giao quyền và giao tài sản, quyền sử dụng, quyền sở hữu kết quả khoa học mạnh hơn. Có một việc liên quan đến dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nếu xử lý được sẽ là bước đột phá, tạo điều kiện giải phóng năng lực sáng tạo.
Ba, xung quanh điều 34 hiện nay có hai vế: Một mặt là tình hình cụ thể, chúng ta rất quan tâm đến việc nghiên cứu và đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng để xây dựng các sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia; mặt khác, nếu sản phẩm nghiên cứu trong nước, chúng ta cũng kỳ vọng trong mua sắm công có sự quan tâm nhất định. Điều này đã nêu trong Nghị quyết 297/NQ-UBTVQH14. Trong đó có ghi “ưu tiên sử dụng sản phẩm được tạo ra trong nước trong đầu tư mua sắm công liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”. Đây là mong muốn của những người làm quản lý khoa học và cộng đồng khoa học.
Luật CGCN được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006, trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (01/2007) với tư thế một nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp (chưa đạt mức 700 USD), tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào tăng quy mô vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. Trong gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và CGCN trong nước, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, đến nay bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, buộc chúng ta phải rà soát nội dung của Luật để có điều chỉnh phù hợp, đáp ứng kịp thời các yêu cầu mới phát sinh từ thực tiễn. Dự án Luật CGCN (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động CGCN, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường công nghệ và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước.
Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn