Khóa đào tạo Quan trắc hoạt độ phóng xạ môi trường lần thứ 7
01/09/2017
Hoạt động KH&CN
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân về lĩnh vực An toàn và Kiểm soát bức xạ, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam - Bộ KH&CN (VINATOM) phối hợp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEA) tổ chức khóa đào tạo về “Quan trắc hoạt độ phóng xạ môi trường lần thứ bảy” (7th VINATOM-JAEA Joint Training Course on Environmental Radioactivity Monitoring: ERM-7) tại Trung tâm Hanoi-NuTEC, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KH&KTHN).
Khóa học do các giảng viên Việt Nam kết hợp với các chuyên gia đến từ JAEA giảng dạy và hướng dẫn thực nghiệm trên các thiết bị do Nhật Bản viện trợ.
Tham dự khóa đào tạo có 20 học viên đến từ các Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh; Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang; Bệnh viện Chợ Rẫy; Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba, Quảng Bình; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai; Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La; Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng; Sở Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu; Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam; Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hải Phòng; Trạm Quan trắc và Cảnh báo phóng xạ môi trường tỉnh Lào Cai; Viện Vật lý và Trường Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Khóa học kéo dài từ ngày 21-25/08/2017, với 10 bài giảng trên lớp và 03 bài thực hành, khoá học đã cung cấp cho học viên các kiến thức cơ bản và cần thiết nhất về các kỹ thuật kiểm soát hoạt độ phóng xạ môi trường bao gồm các phương pháp thu góp, xử lý mẫu, các phương pháp ghi đo bức xạ tại hiện trường, phân tích đồng vị phóng xạ trong phòng thí nghiệm, tính toán hoạt độ các đồng vị phóng xạ và suất liều bức xạ, đồng thời phổ biến các thông tin và các vấn đề kỹ thuật liên quan đến Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia.
Khóa học đã kết thúc thành công tốt đẹp, toàn bộ học viên tham dự khóa học được cấp giấy chứng nhận đào tạo. Trong buổi lễ bế giảng khóa học, ông Phạm Đức Khuê, Phó Viện trưởng Viện KH&KTHN đánh giá cao những nỗ lực của các giảng viên và học viên đã thể hiện trong suốt thời gian học tập, đồng thời hy vọng những kiến thức và kỹ năng thực nghiệm tiếp thu được từ khóa học sẽ là cơ sở giúp các học viên chủ động hơn trong việc tìm hiểu, nâng cao kiến thức và có thể sử dụng trong các hoạt động nghiên cứu cũng như phục vụ quản lý đối với vấn đề quan trắc hoạt độ phóng xạ môi trường.