Theo báo cáo của VNISA phía Nam, tính đến hết tháng 10/2017, đã có tổng cộng hơn 11.000 cuộc tấn công mạng khác nhau. Đáng chú ý nhất phải kể đến cuộc tấn công của các hacker U15 vào website các Cảng hàng không ở Việt Nam. WannaCry tấn công từ ngày 12/5/2017 cũng gây những thiệt hại cụ thể cho Việt Nam với hơn 240 đơn vị bị nhiễm vi rút mang mã độc tống tiền. Trong đó, một công ty ở Hà Nội sở hữu 40 máy chủ với 7 server quan trọng dính mã độc đã phải chi khoảng 100 triệu đồng để khắc phục. Tại Hội nghị APEC, Việt Nam phát hiện 27 cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống hội nghị cấp cao và ở trung tâm báo chí, 17 lỗ hổng phát hiện và hàng nghìn cuộc có nguy cơ tấn công.
Theo báo cáo của hãng bảo mật Symantec, thì Việt Nam là quốc gia nằm trong top 10 nước phát hiện các hành vi tội phạm mạng cao nhất năm 2016, chiếm tỷ lệ 2,16%, tăng 0,89% so với năm 2015. Việt Nam cũng là một trong những mục tiêu tấn công mạng nhiều nhất trong năm 2016. Theo báo cáo từ Kaspersky Lab, Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước hàng đầu chịu ảnh hưởng về các cuộc tấn công nhắm vào những thiết bị IoT, khi chiếm tỷ lệ tới 15% số lượng các cuộc tấn công trên quy mô toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc (17%).
Đại diện Symantec trình bày báo cáo Bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu từ các mối đe dọa mạng. Ảnh: LV.
Đánh giá chung về hiện trạng ATTT, ông Võ Văn Khang (Phó Chủ tịch VNISA phía Nam) cho biết, các cuộc tấn công mạng với đủ thể loại, hình thức ngày càng tinh vi và nguy hiểm không ngừng gia tăng qua các năm. Vấn đề ATTT mang tính truyền thống như mã độc tống tiền, spam qua email, lừa đảo qua mạng, ứng dụng mạng xã hội,… vẫn là những vấn đề nổi bật trong năm 2017. Bên cạnh đó, những hiểm họa mới song hành cùng với sự tiến bộ của công nghệ như điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật cũng xuất hiện nhiều hơn, nguy cơ an ninh mạng gắn liền với hệ thống điều khiển công nghiệp, đô thị thông minh cần đặc biệt quan tâm bởi hậu quả sẽ rất nặng nề khi xảy ra sự cố. Mặt khác, tấn công có chủ đích, đặc biệt là tấn công liên quan tới mục tiêu chính trị, có thể bùng phát bất cứ lúc nào khi có vấn đề trên thực địa.
Ông Khang kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác đảm bảo ATTT cho các dịch vụ công một cách đồng bộ. Việc xây dựng đô thị thông minh cần đặc biệt quan tâm đầu tư và hoạch định ATTT ngay từ đầu. Đối với các doanh nghiệp, cần đầu tư cho ATTT một cách phù hợp với nhu cầu. Đồng thời, tăng cường chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp để rút kinh nghiệm và tránh các sai sót xảy ra.
Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin - ATTT của doanh nghiệp. Ảnh: LV.
Tại Ngày ATTT, nhiều báo cáo chuyên môn về các giải pháp công nghệ - ATTT đã được trình bày như: Chiến lược bảo mật công nghệ thông tin trong thế giới kết nối (Kaspersky Lab Việt Nam); Kiến trúc tham khảo an ninh mạng (Microsoft); Đảm bảo ATTT trong thời kỳ mới (Công ty Hệ thống thông tin FPT); Sử dụng phân tích dòng dữ liệu được mã hóa và kiến trúc chuyển mạch mới để bóc trần tấn công mạng (Cisco); Bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu từ các mối đe dọa mạng (Symantec);… Song song đó là các buổi tọa đàm với các chủ đề ATTT và thách thức đối với phát triển đô thị thông minh; Bảo vệ hạ tầng trọng yếu công nghệ thông tin, phát hiện phòng ngừa, cảnh báo và tổ chức ứng cứu sự cố - nguồn nhân lực và đào tạo ATTT; ATTT trong môi trường điện toán đám mây, dữ liệu lớn và kết nối vạn vật IoT; cùng hoạt động trưng bày, triển lãm giới thiệu các giải pháp, sản phẩm công nghệ thông tin và ATTT của các tổ chức và doanh nghiệp.