Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP: “Ban Quản lý SHTP xác định SHTP phải liên tục phấn đấu và tranh thủ mọi cơ hội để đuổi kịp các khu công nghệ cao (CNC) thành công trên thế giới trong phát triển sản phẩm CNC, chú trọng đến nội hàm giá trị gia tăng cao của sản phẩm, tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng một khu CNC sinh thái, có môi trường đầu tư và phát triển CNC thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư dựa trên đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, đóng góp vào GRDP của TP.HCM và GDP của quốc gia với tỷ trọng ngày càng nâng cao. Kế đó phối hợp tốt với đối tác chiến lược của SHTP là Đại học quốc gia TP.HCM và các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp CNC trong thành phố, đặc biệt là ở khu vực 3 quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2 trong công tác nghiên cứu, đào tạo nhân lực để hình thành mạng liên kết chặt chẽ giữa trường học và doanh nghiệp, hình thành đô thị khoa học - công nghệ và giáo dục ở cửa ngõ phía Đông Bắc của TP.HCM”.
Sau 15 năm, lũy kế sản xuất tại SHTP ước đạt 28,4 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD và nhập khẩu ước đạt 25,2 tỷ USD. Giá trị sản xuất bình quân của 1 lao động tại SHTP gấp khoảng 11 lần giá trị bình quân các khu công nghiệp khu vực.
Giá trị sản xuất của SHTP hàng năm đóng góp 94% trên tổng giá trị sản phẩm sản xuất CNC của thành phố. Giá trị sản xuất của SHTP năm 2017 đạt trên 10 tỷ USD và đến năm 2020 sẽ vượt mốc 20 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của SHTP trung bình khoảng 80%/năm. Một số doanh nghiệp có sản phẩm đã đạt giá trị gia tăng trên 35% (Nanogen, FPT, Digisensor...). Tính trung bình, ước tính giá trị gia tăng của các sản phẩm sản xuất tại SHTP hiện ở mức 28%.
Bước qua tuổi 16, SHTP tiếp tục với nhiều cơ hội mới, giá trị mới... Nơi ấy hứa hẹn thêm những thành quả để xứng đáng với bao kỳ vọng đặt ra, như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khi SHTP đánh dấu 15 năm hoạt động vừa qua: “SHTP phải là một trung tâm lớn về nghiên cứu và phát triển CNC; thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng hàng đầu về khoa học - công nghệ; một đô thị sinh thái và thông minh; vườn ươm CNC, doanh nghiệp CNC… góp phần đưa TP.HCM trở thành đô thị thông minh đầu tiên của nước ta".
“Trong xu thế thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, chúng ta càng thấy rõ vị trí của Khu Công nghệ cao TP.HCM, tôi đề nghị Ban quản lý SHTP tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đầu tư vào SHTP, tập trung tốt vào công nghiệp hỗ trợ; gia tăng các giá trị gia tăng của các doanh nghiệp trong SHTP. SHTP và Đại học Quốc gia TP.HCM sớm ký kết chương trình đối tác chiến lược để phát huy tiềm lực. Ban quản lý SHTP tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa các nhà khoa học, giữa SHTP vớc các khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo…”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo như trên khi SHTP bước vào tuổi 16.