SpStinet - vwpChiTiet

 

Bộ Y tế khánh thành kết nối 1.000 điểm cầu tư vấn khám chữa bệnh từ xa

Từ nay, bệnh nhân ở khắp mọi miền đất nước từ vùng sâu, vùng xa đến hải đảo sẽ được thăm khám, chữa bệnh bởi bác sĩ tuyến Trung ương đến từ Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương...

 

 

Lễ khánh thành được tổ chức vào chiều 25/9 tại Hà Nội với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện các bộ, ngành; hơn 5.000 y bác sĩ đến từ 1.000 điểm cầu trên cả nước cùng một số điểm cầu ở Lào và Campuchia.

Đây là kết quả sau 2 tháng triển khai đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2050 mà Bộ Y tế ban hành ngày 22/6/2020 với quan điểm "Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa” để mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; và được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.

Ngay trong quá trình triển khai, nhiều ca bệnh phức tạp ở những khu vực xa xôi như Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé... đã được kịp thời chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị chính xác, giúp cứu sống người bệnh. Trong đó, theo báo cáo của GS Lê Thanh Hải – Giám đốc bệnh viện Nhi trung ương, các bác sỹ ở đây đã kết nối để hội chẩn, tư vấn một ca bệnh nhi sốt cao, co giật với Trung tâm y tế Huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh cách xa đất liền 100km.

Điểm cầu Bệnh viện E kết nối với Lê khánh thành. Ảnh: Bộ Y tế

Điểm cầu Bệnh viện E kết nối với Lê khánh thành. Ảnh: Bộ Y tế

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự vui mừng khi nghe báo cáo kết quả triển khai và có thể nhìn thấy rõ hình ảnh của các bác sỹ, nhân viên y tế huyện Cô Tô (Quảng Ninh): "Chúng tôi đã thấy được sự kết nối của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương với những bác sĩ nổi tiếng để trực tiếp đưa phương án điều trị cho bệnh nhi đang bị co giật. Kết quả tốt đã kịp thời cứu chữa cho bệnh nhi mà cách xa đất liền trong bối cảnh đi lại khó khăn, đây là sự phát huy tác dụng rất rõ nét với khám chữa bệnh từ xa, một hình ảnh cụ thể, sinh động. Tôi xin chúc mừng Bệnh viện Nhi trung ương, chúc mừng bác sĩ, nhân viên trung tâm y tế huyện Cô Tô, chúc sức khỏe các đồng chí, thành công, ứng dụng công nghệ mới thành thạo, tận dụng được trí tuệ của các bác sĩ chuyên ngành giỏi của nước ta trong khám chữa bệnh cho nhân dân đặc biệt là bệnh nhi".

Hiện có tổng số 26 bệnh viện tuyến trên, trong đó có 8 bệnh viện tuyến trên như Bệnh viên Bạch Mai, Việt Đức, TƯ Huế, Nhi Trung ương... và 1.000 bệnh viện tuyến dưới đăng ký tham gia Đề án, tính đến ngày 24/9/2020. Đặc biệt, 2 bệnh viện của Lào và 1 bệnh viên của Cam-pu-chia đã đăng ký tham gia làm bệnh viện tuyến dưới.

Điểm cầu Bệnh viên Nhi TW kết nối với Lễ khánh thành. Ảnh: Bộ Y tế

Điểm cầu Bệnh viên Nhi TƯ kết nối với Lễ khánh thành. Ảnh: Bộ Y tế

GS.TS Nguyễn Thanh Long - quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đề án này không đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số ngành y tế mà còn có tính nhân văn sâu sắc. Thông qua các hoạt động khám chữa bệnh từ xa, năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được nâng lên, người dân trên cả nước sẽ được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên.

Lãnh đạo Chính phủ và đại diện

Lãnh đạo Chính phủ và đại diện các bộ, ngành nhấn nút khánh thành Đề án kết nối 1.000 điểm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa. Ảnh: Bộ Y tế.

Trong thời gian ngắn tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cho ra mắt mạng y tế Việt Nam - nơi tập hợp tất cả các thầy thuốc trên toàn quốc, là diễn đàn để trao đổi, học hỏi lẫn nhau với mục tiêu nâng cao tay nghề.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả