SpStinet - vwpChiTiet

 

Phối hợp công tác giữa bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT: Đẩy mạnh các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm

Sau 3 năm thực hiện, Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT đã góp phần tạo ra một môi trường nghiên cứu thuận lợi cho các nhà khoa học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong các Viện, trường.

Từ những kết quả bước đầu này, hai Bộ sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đào tạo, trọng tâm là việc xây dựng và triển khai các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm.

Năm 2012, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 được ban hành, chỉ một năm sau đó, Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo 2011-2020 tiếp tục ra đời, cùng hướng đến mục tiêu chung là phục vụ quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của đất nước.

Để hỗ trợ nhau thực hiện mục tiêu đó, năm 2017, hai Bộ đã ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2025 với mục đích hợp tác phát triển KHCN nhằm đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (NCKH và CGCN), đào tạo nhân lực KHCN, thúc đẩy liên kết giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Từ sau ‘cú bắt tay’ đó, nhiều chương trình gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo và các hoạt động chuyển giao công nghệ... đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu, “đã đến lúc cần đi vào chiều sâu, thường xuyên và liên tục hơn nữa”, “đây là thời điểm để cùng nhau nhìn lại, tiếp tục xác định những nội dung trọng tâm của Chương trình phối hợp trong 5 năm tới”, như nhận định của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tại hội thảo Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT ngày 25/6.

Chuyển động trong cơ chế, chính sách nghiên cứu

Một sự chuyển biến về chất từ các hoạt động nghiên cứu ở các trường đại học và viện nghiên cứu thuộc trường đã được thể hiện một cách thuyết phục trong báo cáo của ông Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ GD&ĐT): “Số lượng công bố quốc tế trong danh mục ISI của các cơ sở giáo dục Đại học trực thuộc Bộ GDĐT tăng từ 1.376 bài năm 2017 lên 1.718 bài năm 2018 (tăng 25%) và 2.412 bài năm 2019 (tăng 40%). Không chỉ tăng về số lượng, chất lượng của các bài báo quốc tế cũng tăng đáng kể, ví dụ trong số 2.412 bài báo quốc tế năm 2019, có tới 1.013 bài Q1 (chiếm tỷ lệ 42%) và 901 bài Q2 (chiếm tỷ lệ 37%).” Điều này đã góp phần không nhỏ làm tăng vị thế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, qua đó dần hình thành một số trường đại học định hướng nghiên cứu có thứ hạng cao trong khu vực. Theo bảng xếp hạng đại học thế giới (QS World University Rankings) năm 2019, có 4 cơ sở giáo dục ĐH trực thuộc Bộ (cả nước có 8) được xếp hạng trong Top 500 châu Á là trường ĐHBK Hà Nội, trường ĐH Cần Thơ, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng.(1)

Những thay đổi này bắt nguồn từ chính những thay đổi về chính sách đầu tư cho KH&CN của Bộ KH&CN trong nhiều năm qua, trong đó Quỹ NAFOSTED – nơi đầu tư cho các nghiên cứu khoa học theo quy trình xét duyệt minh bạch, công bằng, đi kèm với những tiêu chí về công bố kết quả nghiên cứu từ những đề tài do Quỹ tài trợ trên các tạp chí quốc tế uy tín. Trong môi trường khuyến khích các thành viên tham gia tuân theo các chuẩn mực quốc tế như vậy, các giảng viên trong các trường đại học đã có cơ hội duy trì mạch nghiên cứu, xây dựng được nhóm nghiên cứu và kết nối quốc tế, còn bản thân các trường cũng nhận được ra giá trị của các trường chính là các hoạt động nghiên cứu như vậy. Từ nhận thức đó, Bộ GD&ĐT đã quyết định dành nhiều hình thức khen thưởng đối với những giảng viên có bài báo được công bố trong danh mục các tạp chí ISI hằng năm.

Bên cạnh NAFOSTED, Bộ KH&CN còn tập trung vào phát triển những lĩnh vực thế mạnh của khoa học Việt Nam như Chương trình 562(2), hỗ trợ cho gần 300 giảng viên và nghiên cứu viên được tham gia các đề tài cấp Bộ, đồng thời khuyến khích giảng viên thực hiện nghiên cứu để có thêm nhiều kiến thức truyền đạt cho sinh viên. Đáng chú ý, Chương trình trọng điểm quốc gia về Toán và Chương trình phát triển Vật lý được xem là một hướng đi đúng đắn trong việc củng cố hai ngành nghiên cứu giàu truyền thống của nước ta từ trước đến nay. Bộ đã đẩy mạnh các hoạt động tại những trường có khoa Toán mạnh như ĐH KHTN – ĐHQGHN, ĐH Bách khoa HN, ĐH KHTN – ĐHQG TP.HCM, ĐH Sư phạm HN, ĐH Quy Nhơn… Việc triển khai Chương trình đã góp phần đưa số lượng công bố ISI của ngành Toán học Việt Nam trong năm 2018 lên vị trí 32 thế giới(3) (304 bài). Đây là một trong những nguyên nhân không nhỏ giúp Việt Nam vượt Singapore, liên tục giữ vị trí dẫn đầu các nước ASEAN về chỉ số này từ năm 2014 đến nay. Tương tự, theo xếp hạng của SCOPUS, ngành Vật lý Việt Nam đã tăng hạng từ vị trí 60 năm 2014 lên vị trí 52 năm 2017.

Vị thế và xếp hạng đều tăng lên, đó là những tín hiệu vui”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận định, nhưng “các cơ sở giáo dục không phải là Thánh Gióng, chỉ trong một chốc đã vụt lớn mạnh, đã vươn cao. Chúng ta đã đi qua nhiều khó khăn, và vẫn còn một chặng đường dài cần phải tích lũy ở phía trước.

Theo quan điểm của ông, trong thời gian tới, hai bộ cần phối hợp xây dựng một số Chương trình nghiên cứu lớn đa lĩnh vực, liên ngành gắn với các ngành đào tạo mũi nhọn. Bên cạnh đó, cần xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh mang tính dẫn dắt KH&CN để giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, của quốc gia.

Song song với việc đầu tư phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học, cần có thêm chính sách nghiên cứu khoa học dành cho giảng viên trẻ. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ đồng tình với hướng đi này: “Cần có những cơ chế hợp lý cho các nhóm nghiên cứu. Với các nhóm nghiên cứu mạnh có tiềm năng lớn, thì được phép trực tiếp nhận vốn của Bộ KH&CN, hạn chế qua trung gian. Điều này sẽ tạo ra sự đua tranh tích cực giữa các nhóm với nhau.” Ngoài ra, ông cho biết cần có hình thức ghi nhận xứng đáng với các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu có đóng góp, cống hiến tích cực mà những người đã đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu là một điển hình.

Tạo ra giá trị mới từ tài sản trí tuệ

Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản chỉ là một nửa mảnh ghép trong bức tranh mà cả hai Bộ đang cùng nhau dựng nên. Những cái nhìn mới về kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, các giảng viên không dừng lại ở việc yêu cầu có công bố dưới dạng bài báo đăng tạp chí khoa học mà còn là văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (bằng sáng chế, giải pháp hữu ích) để hướng đến chuyển giao công nghệ.

Hai Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT đều mong muốn thúc đẩy tiến trình này. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định trong hội nghị: “Đại học phải là nơi đào tạo nên các start-up. Để làm được điều đó, chúng ta cần khoác lên mình một chiếc áo mới để xứng đáng với quy mô và vị thế mà chúng ta hướng đến.” ‘Chiếc áo mới’ mà Bộ trưởng nhắc đến, chắc hẳn là sự ra đời của đề án 844 (Phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên là nguồn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp) và đề án 1665 (Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025). Hai đề án này, cùng với những dự án như FIRST và IPP được xem là “cánh tay nối dài” của Cục Sở hữu Trí tuệ, như nhận định của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh.

Cục Sở hữu Trí tuệ không phải là nơi chỉ ngồi chờ các hồ sơ đăng ký văn bằng gửi đến. Ngược lại, họ đã thực sự đi đến tận các trường để giới thiệu và tập huấn cho giảng viên, sinh viên, người quản lý về vai trò của sở hữu trí tuệ bởi theo quan sát của mình, họ nhận thấy, mặc dù những năm gần đây số lượng các bài báo của trường đại học công bố trên các tạp chí khoa học tăng đáng kể, nhưng nhiều nhà khoa học vẫn chưa nhận thức được cần đồng thời tiến hành bảo hộ các kết quả nghiên cứu đó.

Theo sáng kiến của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cục SHTT đã thành lập Mạng lưới các Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp (TISC) và Mạng lưới IP-HUB nhằm hỗ trợ việc tiếp cận với thông tin khoa học công nghệ và hỗ trợ gia tăng số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nói chung, sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp. Mạng lưới TISC của Việt Nam hiện nay có 35 thành viên là các viện nghiên cứu, trường đại học ở cả ba miền.

Không chỉ hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN đã ký kết chương trình hợp tác với ĐHQG HN và ĐHQG TP.HCM phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với doanh nghiệp, mà một trong những kết quả đáng chú ý của hoạt động hợp tác là sự ra đời của Tòa nhà Ươm tạo tài năng và Hỗ trợ khởi nghiệp, ĐHQGHN.

Theo báo cáo của quỹ đầu tư ESP Capital và Cento Ventures, Việt Nam vươn lên đứng thứ 3 trong số các quốc gia ASEAN về tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chỉ sau Indonesia và Singapore; lượng vốn đầu tư mạo hiểm tăng từ 5% năm 2018 lên 17% trong tổng vốn đầu tư cho startup ở khu vực. So với năm 2018, số cơ sở ươm tạo cũng tăng thêm 10, lên 48 cơ sở; khu làm việc chung tăng 2,5 lần, lên 184 khu.

Kết quả này cho thấy hiệu quả của những chính sách, sự phối hợp giữa hai Bộ trong chủ trương tạo ra giá trị mới từ tài sản trí tuệ.

***

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp công tác giữa hai bộ, trong thời gian tới, nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, ngoài việc cần khắc phục một số khó khăn trong quá trình triển khai như: ngân sách đầu tư của nhà nước cho hoạt động KH&CN của các trường chưa tương xứng với tiềm lực của đội ngũ, số lượng nhiệm vụ và kinh phí cho các nhiệm vụ thuộc chương trình KH&CN được Thủ tướng chính phủ phê duyệt còn khiêm tốn.... Hai Bộ cần ưu tiên triển khai thực hiện các chương trình KH&CN đã được Thủ tướng phê duyệt như Chuong trình Toán, Vật lí...; xây dựng và triển khai các nhiệm vụ KH&CN trọng tâm, trọng điểm phục vụ phát triển ngành giáo dục, phát triển kinh tế xã hội; chỉ đạo các CSGDĐH tập trung đầu tư một số ngành mũi nhọn, phát triển các chuyên ngành khoa học cơ bản, các ngành khoa học liên quan đến công nghệ nguồn, định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy, thích ứng với cuộc CMCN 4.0; đẩy mạnh truyền thông về các kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của các CSGDĐH.

Chú thích:

(1) Nghị định 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH

(2) Chương trình phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020; Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020; Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017-2025.

(3) Theo báo cáo của Nhóm Trắc lượng khoa học Việt Nam – Scientometrics for Vietnam, tổng hợp từ Web of Science (28/10/2018)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả