SpStinet - vwpChiTiet

 

Thúc đẩy chuyển giao ứng dụng công nghệ giám sát tự động chất lượng nước nuôi tôm

Chiều 20/9, Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ Khoa học và Công nghệ (Cục Công tác phía Nam – Bộ KH&CN) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức hội thảo “Phát triển hiệu quả ứng dụng hệ thống giám sát, cảnh báo tự động một số chỉ tiêu chất lượng nước trong nuôi tôm”. Một số kết quả triển khai ứng dụng công nghệ giám sát, cảnh báo tự động chất lượng nước trong nuôi tôm thẻ chân trắng ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre,… và phương hướng thúc đẩy chuyển giao ứng dụng công nghệ này đã được chia sẻ tại hội thảo.

Đây là hoạt động thuộc khuôn khổ dự án “Hỗ trợ thương mại hóa hệ thống giám sát, cảnh báo tự động một số chỉ tiêu môi trường nước phục vụ nuôi tôm thâm canh nước mặn, lợ trong ao đất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” do Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ Khoa học và Công nghệ (STAS) chủ trì, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II và Trung tâm Phát triển công nghệ và Thiết bị công nghiệp Sài Gòn (CENINTEC) phối hợp thực hiện.

Hệ thống giám sát, cảnh báo tự động một số chỉ tiêu chất lượng nước trong nuôi tôm (e-AQUA) do CENINTEC nghiên cứu phát triển, bao gồm hệ thống điều khiển đo (bộ điều khiển – PLC; thiết bị lưu điện – UPS; nút khẩn cấp, đèn báo, còi; các cảm biến; máy bơm, các val điện từ), giao diện giám sát và điều khiển, phần mềm thu thập, thống kê số liệu. Hệ thống e-QUA sẽ lấy mẫu nước từ các điểm đo trong các ao nuôi tôm đưa về bộ phận trung tâm để phân tích. Kết quả sau đó được chuyển vào máy chủ và lưu trữ trên dữ liệu đám mây để người dùng có thể theo dõi qua các thiết bị di động.

TS. Nguyễn Minh Hà giới thiệu về hệ thống e-AQUA. Ảnh: LV.

Theo TS. Nguyễn Minh Hà (Giám đốc CENINTEC), hệ thống e-AQUA có các chức năng như giám sát tự động các chỉ tiêu chất lượng nước cho nhiều điểm đo trên nhiều ao; giám sát được nồng độ oxy hòa tan, nhiệt độ, pH và độ mặn, có cổng để tích hợp các cảm biến đo NH3, NO2, H2S; cảnh báo tự động khi các chỉ tiêu giám sát nằm ngoài ngưỡng cho phép; lưu trữ và phân tích dữ liệu lịch sử của mỗi vụ nuôi; cảnh báo cúp điện tại ao nuôi. Phần mềm giám sát e-AQUA có chức năng hiển thị kết quả giám sát chất lượng nước trong ao nuôi theo thời gian thực, hiển thị báo cáo kết quả giám sát chất lượng nước theo ngày, cài đặt ngưỡng giới hạn của các chỉ tiêu chất lượng nước,… Ưu điểm vượt trội của e-AQUA là giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả kinh tế khi ứng dụng vào sản xuất. Cụ thể, một hệ thống e-QUA (với 1 bộ cảm biến) có thể giám sát tối đa 8 điểm đo, trong khi đó với phương pháp đo thông thường 1 cảm biến chỉ giám sát 1 điểm đo. Hệ thống này hoạt động tự động, liên tục suốt ngày đêm, cảnh báo kịp thời cho người nuôi về các thông số môi trường nuôi vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, mà không cần phải có mặt tại khu vực nuôi trồng. Hiện e-AQUA đã được các doanh nghiệp, cơ sở tôm giống, tôm thịt tại tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, TP.HCM áp dụng thành công. Việc áp dụng thành công e-AQUA mang lại nhiều lợi ích như tôm phát triển nhanh, hệ số sử dụng thức ăn (FCR) thấp; chi phí sử dụng thuốc trong vụ nuôi thấp; giảm rủi ro và bệnh dịch trong nuôi trồng, tăng tỷ lệ nuôi thành công; giảm tỷ lệ sử dụng kháng sinh nên tăng độ an toàn và hạ giá thành sản phẩm; giảm chi phí điện năng từ 5-7,5 triệu đồng/vụ/ao 4.000 m2; sản lượng tôm tăng từ 8,8-10,3%;…

Theo TS. Phan Thanh Lâm (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II), trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ thương mại hóa hệ thống giám sát, cảnh báo tự động một số chỉ tiêu môi trường nước phục vụ nuôi tôm thâm canh nước mặn, lợ trong ao đất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” đã thực hiện các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng hệ thống e-AQUA ở xã Tân Phong (Bạc Liêu), thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho thấy, tôm không còn hiện tượng bị yếu hoặc chết do thiếu oxy, cải thiện năng suất nuôi từ đó tăng lợi nhuận; ao nuôi 2.000 m2 đạt tỷ lệ tôm sống 92% sau gần 3 tháng nuôi, tỷ suất lợi nhuận 63.000 đồng/kg, sản lượng thu hoạch 4750 kg. Tương tự, các mô hình ở Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang cũng bước đầu có những cải thiện về lợi nhuận, sản lượng thu hoạch nhờ ứng dụng e-AQUA giúp tăng kiểm soát chất lượng môi trường nuôi, giảm rủi ro. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ này chỉ là một trong những yếu tố đóng góp bởi để nuôi tôm thành công còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác nhau.

Như vậy, e-AQUA là hệ thống giám sát chất lượng nước ao nuôi thủy sản trực tuyến được doanh nghiệp lựa chọn ứng dụng thử nghiệm thành công. Hệ thống sử dụng 1 bộ cảm biến cho nhiều điểm đo, trên nhiều ao nuôi, điều này giúp giảm chi phí đầu tư hệ thống, tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại. Chi phí đầu tư tính trên 1 điểm đo của e-AQUA chỉ bằng 1/5 so với giải pháp của nước ngoài, và tính kinh tế ở chỗ có thể dùng 1 hệ thống kiểm soát đồng thời nhiều ao nuôi. Về mặt thị trường, với khoảng 9.000 ha nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng sẽ tạo ra một thị trường rất lớn cho việc ứng dụng sản phẩm này.

Ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ e-AQUA giữa các đơn vị. Ảnh: LV.

Ông Huỳnh Quốc Khởi (Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, việc ứng dụng công nghệ e-AQUA trong nuôi trồng thủy sản có những ưu điểm như giúp quản lý tốt môi trường ao nuôi; kiểm soát, giám sát dịch bệnh; hạn chế tối đa khả năng gây ô nhiễm môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế bởi chỉ thực hiện được ở quy mô trang trại hoặc công ty, khó phổ biến ở quy mô nông hộ, chi phí đầu tư lắp đặt còn khá cao trong khi khả năng tiếp nhận và sử dụng máy móc thiết bị mới của nông dân còn hạn chế. Do vậy, cần có sự “vào cuộc” thật sự của các bên (doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan nhà nước) để hỗ trợ nông dân tăng khả năng tiếp cận và ứng dụng KH&CN mới vào sản xuất; triển khai nhiều lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề giới thiệu các công nghệ mới phù hợp với trình độ và khả năng sản xuất ở quy mô nông hộ; cần có các chính sách hỗ trợ nông dân trong việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là hỗ trợ đầu tư về vốn để lắp đặt hệ thống e-AQUA); các nhà khoa học, nhà sản xuất thiết bị công nghệ trong nuôi trồng thủy sản cần quan tâm cải tiến sản phẩm cho phù hợp với tất cả các loại mô hình nuôi, phù hợp khả năng tài chính của các nông hộ.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả