SpStinet - vwpChiTiet

 

Sở hữu trí tuệ trong đàm phán quốc tế

Ngày 01/3/2019, tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Đinh Hữu Phí đã tiếp và làm việc với ông Fernando Apparicio da Silva - Đại sứ nước Cộng hòa Liên bang Braxin tại Việt Nam về các vấn đề sở hữu trí tuệ trong đàm phán quốc tế

Đại sứ Fernando Apparicio da Silva cho biết trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa các nước Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) với các đối tác thương mại quốc tế, các đối tác đã đưa ra yêu cầu Braxin và các thành viên Mercosur sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ với mục đích áp đặt các quy định cao hơp các tiêu chuẩn được quy định trong Hiệp định TRIPS/WTO (TRIPS+). Nổi bật trong số các yêu cầu về bảo hộ cao hơn dành cho tác giả sáng chế, trì hoãn việc đưa ra thị trường các dược phẩm và hóa chất nông nghiệp, kéo dài thời hạn bảo hộ sáng chế nhằm bù đắp cho sự chậm trễ trong việc cấp bằng độc quyền sáng chế và các vấn đề liên quan đến dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, v.v.

Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho biết, Việt Nam đã tham gia đàm phán một số Hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Viêt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). 

Các Hiệp định trên đều một Chương riêng quy định về bảo hộ quyền SHTT. Do SHTT là vấn đề có nhiều tác động đến đời sống xã hội và dân sinh, do vậy, quá trình xây dựng phương án và tiến hành đàm phán nội dung này được tổ chức một cách chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Đoàn đám phán Chính phủ. Các nội dung SHTT cũng được tham vấn các doanh nghiệp và tổ chức xã hội dân sự thông qua Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) trong quá trình đàm phán. Trên cơ sở phân tích những lợi ích mà toàn thể Hiệp định có thể mang lại như giảm thuế, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường,  Việt Nam đã chấp nhận một số quy định không có trong Hiệp định TRIPS với những ngoại lệ và thời gian chuyển tiếp phù hợp.

Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Để triển khai Hiệp định, Cục SHTT đã có thông báo hướng dẫn thực hiện các nội dung cam kết có hiệu lực ngay. Bên cạnh đó, Cục SHTT đang phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan xây dựng dự thảo sửa đổi Luật sửa đổi một số Luật để thực hiện Hiệp định CPTPP để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Một chươmg trình hành động để thực hiện các công việc cần thiết nhằm bảo đảm thi hành có hiệu quả Hiệp định CPTPP cũng đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, trong đó bao gồm các hoạt động xây dựng thể chế, tuyên truyền, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, v.v.

"Sở hữu trí tuệ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình đàm phán thương mại quốc tế đối với bất cứ quốc gia nào. Việt Nam và Braxin là những quốc gia đang phát triển, luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, nên trong quá trình đàm phán, việc đảm bảo hài hòa giữa lợi ích giữa chủ sở hữu quyền và lợi ích của toàn xã hội là một yếu tố cực kỳ quan trọng" ông Phí khẳng định.


Cục trưởng Đinh Hữu Phí tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Fernando Apparicio da Silva

Nguồn: most.gov.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả