Từ năm 2011, Giải thưởng Bảo Sơn của Tập đoàn Bảo Sơn được trao thường niên dưới sự bảo trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm vinh danh các công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao thuộc 5 lĩnh vực, bao gồm: Cải cách giáo dục và đào tạo; Xóa đói, giảm nghèo; Phát triển kinh tế bền vững; Y - dược học, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Văn học.
Sau khi xét chọn từ 12 bộ hồ sơ tham dự, Giải thưởng Bảo Sơn 2019 được quyết định trao cho “Công trình Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa” của PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng và nhóm cộng sự đến từ ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhờ những tính mới, khả năng ứng dụng cao cũng những giá trị kinh tế đem lại cho cộng đồng. Giá trị của giải thưởng là 50.000 USD, tương đương gần 1,2 tỷ đồng.
Đồng thời, nhằm vinh danh kịp thời những đóng góp đặc biệt trong công tác phòng chống dịch Covid 19, Giải thưởng Bảo Sơn đặc biệt 2020 được quyết định trao cho “Công trình Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19” do Học viện Quân y (đơn vị nghiên cứu) và công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (đơn vị sản xuất) phối hợp thực hiện. Giá trị của giải thưởng là 60.000 USD, tương đương gần 1,4 tỷ đồng.
Theo lộ trình, mỗi năm giá trị giải thưởng sẽ tăng thêm 10.000 USD.
Phát biểu tại buổi lễ trao giải chiều 25/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ bày tỏ hi vọng, giải thưởng này sẽ lan tỏa và ngày càng nhiều các nhà khoa học được phát hiện và công nhận hơn, bởi “trên thực tế, có những nhà khoa học có nhiều đóng góp, cống hiến nhưng chưa được tiếp cận”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch tập đoàn Bảo Sơn, cho biết: “Đối với những công trình có ý nghĩa thực tiễn, có tính ứng dụng cao, tập đoàn luôn sẵn sàng hỗ trợ tối đa giúp các nhà nghiên cứu đi tới thành công với công trình của mình”.
Công nghệ sấy thăng hoa được PGS Nguyễn Tấn Dũng và nhóm tác giả bắt đầu nghiên cứu từ năm 1999, theo đó công nghệ sấy tiên tiến được tiến hành ở điều kiện nhiệt độ nguyên vật liệu ẩm, dưới điểm nước kết tinh trong môi trường chân không gần như tuyệt đối, sản phẩm sau khi sấy giữ lại được toàn bộ tính chất tự nhiên cũng như bảo quản được nguyên vẹn chất lượng ban đầu, khắc phục các nhược điểm của tất cả các phương pháp sấy khác. Hiện công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi trong bảo quản, chế biển thực phẩm, thủy hải sản tại rất nhiều tỉnh thành trên cả nước như TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa, Vũng Tàu cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác.
Bộ sinh phẩm chẩn đoán real-time RT-PCR của Học viện Quân y ra đời giữa bối cảnh tình hình dịch Covid 19 đang bùng nổ trên thế giới và lây lan vào Việt Nam. Bộ sinh phẩm giúp phát hiện nhanh, chính xác SARS-CoV-2, đảm bảo phát hiện cách ly, theo dõi, quản lý điều trị hiệu quả cũng như chủ động nguồn cung ứng trong công tác dự phòng, kiểm soát dịch bệnh. Hiện nay, đã có hơn 200.000 bộ sinh phẩm đã được sản xuất để phục vụ xét nghiệm sàng lọc, phát hiện SARS-CoV-2 tại nhiều bệnh viện lớn trên cả nước cũng như xuất khẩu sang các quốc gia khác trên thế giới.
Nguồn: Mỹ Hạnh - khoahocphattrien.vn