9 công ty đã ký kết thỏa thuận thành lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam
trước sự chứng kiến của các cơ quan Chính phủ và tổ chức quốc tế.
Chín công ty tiên phong sáng lập nên liên minh tái chế bao bì Việt Nam gồm: Coca-Cola Việt Nam, FrieslandCampina, La Vie, Nestlé Việt Nam, NutiFood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak Việt Nam, TH Group và URC Việt Nam.
PRO Vietnam đánh dấu lần đầu tiên tại Việt Nam, các doanh nghiệp là đối thủ trong kinh doanh nhưng đã cùng nhau tiên phong hợp tác vì mục tiêu chung có lợi cho môi trường Việt Nam hơn. 9 công ty đã lựa chọn ông Phạm Phú Ngọc Trai làm Chủ tịch liên minh để cùng nhau thực hiện các chương trình hành động dựa trên nguyên tắc 3R (Reduce - Giảm thiểu, Reuse - Tái sử dụng, Recycle - Tái chế).
Tại lễ ký kết, đại diện các tổ chức môi trường quốc tế, các tổ chức phi chính phủ… đã gióng lên hồi chuông báo động về rác thải nhựa trên thế giới cũng như tốc độ gia tăng chất thải rắn tại Việt Nam. Theo đó, lượng rác thải rắn đô thị ở Việt Nam được dự đoán sẽ tăng 38% từ 11,6 triệu tấn năm 2016 lên 15,9 triệu tấn năm 2030. Hiện nay Việt Nam đang là một trong 5 nước dẫn đầu trên toàn cầu về lượng rác thải nhựa thải ra đại dương, tương đương với 280.000 tấn mỗi năm. Các số liệu về giao dịch thương mại đã chỉ ra rằng cho đến gần đây Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào nguồn nhập khẩu phế liệu nhựa và giấy để làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp tái chế. Với sự gia tăng của lượng rác thải, thách thức đặt ra từ rác thải bao bì sẽ ngày càng lớn nếu như không có sự can thiệp kết hợp giữa nhà nước và tư nhân. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ để phát triển một hệ sinh thái thu gom và tái chế bao bì trong nước đủ mạnh nhằm giúp tăng tỉ lệ tái chế và giảm thiểu tỉ lệ bao bì thải ra môi trường.
Báo động về rác thải bao bì không xử lý tại Việt Nam
Trước thực trạng đó, PRO Vietnam được thành lập hoạt động phi lợi nhuận với bốn trụ cột hoạt động chính để hiện thực hoá tham vọng của tổ chức: nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác; làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có; và hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế ;PRO Vietnam cũng hợp tác với Chính Phủ trong khía cạnh “Recycle - Tái chế" của bộ nguyên tắc 3R (Reduce - Giảm thiểu, Reuse - Tái sử dụng và Recycle - Tái chế) thông qua quan hệ đối tác công tư tự nguyện độc đáo nhằm cải thiện điều kiện sinh kế và tạo việc làm cho các cá nhân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bao bì sau tiêu dùng. Bên cạnh đó PRO Vietnam cũng sẽ phối hợp với các trung tâm nghiên cứu của các trường Đại học nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp với môi trường của Việt Nam.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai khẳng định: PRO là tổ chức phi lợi nhuận sẽ đồng hành cùng các nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường. Ông Trai cũng hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp tiếp tục tham gia vào liên minh này để cùng chung tay hành động vì môi trường.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích: phát triển bền vững đang là tầm nhìn và mô hình phát triển của thế giới hiện đại. Có nhiều cơ hội và thách thức trên con đường phát triển bền vững. Việt Nam là quốc gia chịu cả 2 thách thức về biến đổi khí hậu và rác thải nhựa (vừa là tác nhân vừa là nguyên nhân). Phát triển nền kinh tế tuần hoàn sẽ là giải pháp đối phó với 2 thách thức này. Do đó việc thành lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hết sức ủng hộ và gửi thư chúc mừng.
Chia sẻ về kinh nghiệm tại Mexico, một thành viên của liên minh cho biết: khi chưa thực hiện triển khai chương trình chỉ có 15% rác thải được tái chế nhưng đến nay sau 15 năm thực hiện rác thải tái chế tại khu vực này đã tăng lên trên 60%. Do đó, các thành viên sáng lập của PRO Vietnam cùng thống nhất đưa ra mục tiêu vào năm 2030 tất cả bao bì do các thành viên đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom và tái chế.
Minh Long