SpStinet - vwpChiTiet

 

10 năm hoạt động khoa học và công nghệ quận huyện: nhiều mô hình ứng dụng “tăng chất”

Chiều 17/5, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2019, Sở KH&CN TP.HCM tổ chức hội nghị “Tổng kết 10 năm hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cơ sở”. Hoạt động này tại các quận huyện ở TP.HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, số lượng, chất lượng các mô hình ứng dụng KH&CN trong các lĩnh vực tại quận huyện đã được tăng lên đáng kể.

Triển khai từ năm 2009, hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo ở cơ sở (gọi chung là hoạt động KH&CN quận, huyện) tại TP.HCM bắt đầu có những định hướng và chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu với những kết quả nổi bật từ sau khi thành phố ban hành Kế hoạch hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cơ sở giai đoạn 2016 – 2020 (quyết định số 4937/QĐ-UBND ngày 5/10/2015) và Kế hoạch triển khai chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2025 (quyết định số 1469/QĐ-UBND ngày 28/3/2016).

Theo báo cáo của Sở KH&CN TP.HCM, các hoạt động KH&CN quận, huyện không còn giới hạn trong phạm vi chủ yếu là tuyên truyền, giới thiệu văn bản quy định pháp luật, công tác kiểm tra, mà số lượng và chất lượng các mô hình ứng dụng KH&CN trong các lĩnh vực tại quận huyện đã được tăng lên đáng kể. Một số mô hình có sức lan tỏa, mang lại lợi ích và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ phía người dân như mô hình “Quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong thời gian 4 giờ từ khi tiếp nhận hồ sơ” tại UBND quận 3, mô hình “Bình Thạnh trực tuyến”, “Phú Nhuận trực tuyến”,… Hoạt động này cũng bắt đầu có tác động và thu hút sự quan tâm của cộng đồng, ví dụ như đã có nhiều cá nhân, tổ chức bằng những nghiên cứu, giải pháp của mình đã tham gia các giải thưởng như Sáng kiến cộng đồng, Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, cuộc thi Sáng tạo nhà nông,…Đồng thời, hoạt động KH&CN quận, huyện được triển khai cho nhiều đối tượng khác nhau trong các tầng lớp nhân dân như đào tạo kiến thức và kỹ năng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên, đoàn viên; chương trình phụ nữ khởi nghiệp; phong trào đổi mới sáng tạo (STEM) trong trường học; hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp ứng dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng;… 

Cụ thể, đối với Kế hoạch hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cơ sở, đã tổ chức 630 lớp tuyên truyền, tập huấn về các lĩnh vực liên quan KH&CN; 31 khóa đào tạo chuyên sâu về năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo cho 769 cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp tại quận huyện; triển khai 413 mô hình ứng dụng KH&CN hiệu quả nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị nhà nước, 306 mô hình ứng dụng KH&CN nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất tại doanh nghiệp, cơ sở; đào tạo về STEM cho 8.083 giáo viên và 29.871 học sinh của 409 trường học;…

Đối với chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn, đã xây dựng và tập hợp các dữ liệu, tài liệu 549 mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, xây dựng 15 mô hình liên kết ứng dụng KH&CN theo chuỗi giá trị hàng hóa để đưa vào phục vụ nông nghiệp, nông thôn; thực hiện chuyển giao 255 lượt công nghệ mới tiên tiến về trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến, sấy; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho 1.359 cán bộ quản lý, kỹ thuật viên và 10384 lượt nông dân; tư vấn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký, thành lập 9 doanh nghiệp KH&CN phục vụ hoạt động chuyển giao KH&CN phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, một số quận huyện chưa chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo kỹ năng cho cán bộ phụ trách KH&CN; một số quận huyện chưa được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo nên việc triển khai còn mang tính hình thức, phong trào;…

Đại diện Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN giới thiệu một số mô hình ứng dụng hiệu quả. Ảnh: LV.

Thời gian tới, cần tập trung nâng cao nhận thức về vai trò của KH&CN, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế – xã hội; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng tiến bộ KH&CN, phong trào sáng kiến trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; gắn kết các hoạt động ở cơ sở với hoạt động đổi mới sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân; tiến hành xây dựng các mô hình ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp phù hợp với đặc thù nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp đô thị của thành phố;…

Tại hội nghị, một số đơn vị đã giới thiệu những kết quả nổi bật về mô hình ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo cơ sở, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra một số kiến nghị để triển khai công tác này tốt hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (thuộc Sở KH&CN TP.HCM) đã triển khai mô hình điện mặt trời nối lưới cho doanh nghiệp sản xuất và tòa nhà (tại UBND quận 12, Nhà máy nước An Phú Đông, siêu thị Auchan,…); thí điểm mô hình thu gom và xử lý hiệu quả rác thải đô thị (công nghệ 6R của Nhật Bản) với công suất 10 tấn/ngày, cho phép sản xuất điện đưa lên lưới hơn 119.000 kWh/năm, sản xuất gần 374.000 kg phân hữu cơ/năm; mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời sấy các sản phẩm nông sản và thủy hải sản (ứng dụng thành công tại Củ Chi, Cần Giờ, Vĩnh Long, Đồng Nai, Trà Vinh, sấy các loại cá, trái tiêu, ớt, chuối, nhãn, tổ yến, chùm ngây,…); mô hình đầu tư giải pháp công nghệ hiệu quả năng lượng theo hình thức ESCO (triển khai thành công tại khách sạn Legend SG, Công ty Con Ong Xanh,…); mô hình bệnh viện xanh với kết quả lợi ích mang lại rất thành công tại bệnh viện 115, bệnh viện Việt Đức,…

Đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: LV.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao giới thiệu các quy trình tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao ứng dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp như quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; quy trình trồng một số loại rau ăn lá (cải bẹ xanh, xà lách, cải ngọt) trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; quy trình trồng cà chua bi nhóm sinh trưởng vô hạn, trồng ớt cay trên giá thể trong nhà màng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; quy trình công nghệ sản xuất và sơ chế rau ăn lá trong nhà màng theo chuỗi khép kín đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm;…

Đại diện Quận 6 chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: LV.

Đại diện UBND Quận 6 cho biết, thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý, chất lượng phục vụ doanh nghiệp, người dân, quận đã đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và công vụ; thực hiện dự án nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin tại UBND quận và UBND 14 phường; đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Hiện nay quận 6 đang quản lý và sử dụng 23 phần mềm. Đặc biệt, trong năm 2018, được sự hỗ trợ của Sở KH&CN TP.HCM, quận 6 đã triển khai xây dựng ứng dụng giải pháp thông tin địa lý (GIS) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các hộ kinh doanh, doanh nghiệp và quảng bá các điểm du lịch trên địa bàn quận. Trong năm 2019, nhằm tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và quảng bá du lịch, quận 6 cũng đã phối hợp cùng Sở KH&CN TP.HCM đang thực hiện phần mềm ứng dụng và quảng bá điểm đến du lịch trên hệ thống điện thoại thông minh (smartphone), dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2019.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả