Tham dự có các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM; Trần Vĩnh Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM…
Thảo luận về vấn đề thiết thực phát triển TP.HCM
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, trong nhiều năm qua, TP.HCM luôn khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. TP.HCM là nơi tạo ra 24% GDP, khoảng 28% tổng thu ngân sách, 18% quy mô sản xuất công nghiệp, 16% tổng kim ngạch xuất khẩu so với cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, TP.HCM đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững.
Do đó, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế thành phố với trọng tâm là phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên hàm lượng tri thức, công nghệ tiên tiến và năng suất cao là yêu cầu bắt buộc đối với sự phát triển nhằm đảm bảo cho thành phố tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân xem ứng dựng Sở Xây dựng trực tuyến SXD247 góp phần ứng dụng công nghệ vào việc cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: Việt Dũng
Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 với các cải tiến liên tục về kết nối số, dữ liệu lớn, AI, internet vạn vật chính là thời cơ để thành phố bắt tay vào xây dựng đô thị thông minh nhằm phát huy tối đa các tiềm năng và thế mạnh của thành phố. Đây cũng là cơ sở cho việc triển khai có hiệu quả 7 chương trình đột phá, nhằm giải quyết một cách căn cơ thách thức hiện nay và định hướng cho thành phố phát triển trong tương lai.
TP.HCM cũng xây dựng chương trình phát triển AI nhằm ứng dụng AI vào việc thực hiện nhanh các trụ cột của đô thị thông minh. Cùng với đó, việc xây dựng đô thị thông minh và sáng tạo sẽ tạo nên thị trường lớn, sân chơi lớn cho các doanh nghiệp CNTT có động lực phát triển, nghiên cứu, cung cấp các giải pháp công nghiệp tiên tiến. Đồng thời, cũng là một “làn gió mới” thu hút đầu tư, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế, thúc đẩy cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và các đồng chí lãnh đạo Thành phố
chứng kiến lễ ký kết hợp tác tại Ngày hội Doanh nghiệp công nghệ thông tin
và trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Việt Dũng
Dẫn chứng các số liệu cho thấy TP.HCM là điểm sáng trong bức tranh khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định, TP.HCM sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để startup phát triển. Đồng chí phân tích, tiềm năng của việc phát triển doanh nghiệp CNTT thông qua các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là rất lớn và bày tỏ kỳ vọng sẽ tiếp tục có những điển hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung và lĩnh vực CNTT nói riêng.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, ngày hội doanh nghiệp CNTT và AI là cơ hội để lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp gặp gỡ, thảo luận về những vấn đề thiết thực cần thực hiện cho thành phố phát triển nhanh và bền vững. Trong khi đó, giải thưởng CNTT - TT là sân chơi bổ ích, để kịp thời vinh danh và ghi nhận các sản phẩm, dịch vụ CNTT tiêu biểu đạt giải thưởng và các đóng góp cho sự nghiệp phát triển CNTT của các đơn vị, cá nhân trên địa bàn. Đặc biệt, việc tổ chức giải thưởng nhằm tạo động lực phấn đấu, phát triển không ngừng cho các bạn sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đào tạo nhân lực CNTT-TT trình độ quốc tế
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng các đơn vị, cá nhân làm việc trong lĩnh vực CNTT-TT. Đồng thời bày tỏ, sự kiện mở đầu cho giai đoạn mới, phát triển ứng dụng CNTT-TT trong giai đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TP.HCM là địa phương đi đầu, rất sớm trong cả nước về phát triển CNTT. Cách đây 20 năm, TP.HCM đã đề xuất Trung ương xem CNTT là một lĩnh vực cần ưu tiên phát triển đột phá, lựa chọn theo hướng tập trung phát triển phần mềm trước. Sau đó, Công viên phần mềm Quang Trung được hình thành, từng bước phát triển. Đây là quyết định đúng đắn.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tham quan triển lãm
các ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính của các sở ngành TP. Ảnh: Việt Dũng
Hiện nay, Công viên phần mềm Quang Trung vẫn là khu công nghiệp tập trung phần mềm lớn nhất cả nước, với 165 doanh nghiệp đang hoạt động, 27 nhà đầu tư hơn 11.000 kỹ sư và nhân viên CNTT và có khoảng 11.000 sinh viên đang theo học tập.
Như vậy, tính trên diện tích 43 ha của Công viên phần mềm Quang Trung, nơi này có số người làm việc, học tập về lĩnh vực CNTT với mật độ cao nhất cả nước. Dự kiến đến cuối năm 2019, nơi đây tạo ra doanh số khoảng 511 triệu USD, trong đó xuất khẩu hơn 400 triệu USD. Đây cũng là cái “nôi” hình thành các ý tưởng sáng tạo, thu hút các nhân tài và cùng TP.HCM phát triển. Bên cạnh đó, TP.HCM là địa phương tiên phong nghiên cứu sản xuất vi mạch.
Sau Công viên phần mềm Quang Trung, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng xây dựng Khu công viên phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM. Mặt khác, TP.HCM cũng bàn, sử dụng khu đất trên đường Trương Định để đầu tư, xây dựng trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Theo thống kê, 70% doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuộc lĩnh vực CNTT-TT”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng và bày tỏ, đây là hoạt động mới. Song, các doanh nghiệp đến TP.HCM phát triển CNTT là đúng chỗ.
Tiếp tục đề cập đến vai trò của ngành CNTT, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng, toàn thành phố có khoảng 100.000 lao động (chiếm khoảng 2,2% lao động toàn thành phố) làm việc trong 5.600 doanh nghiệp CNTT (chiếm 1,4% doanh nghiệp toàn thành phố). Tuy nhiên, năng suất lao động của CNTT-TT hiện gấp gần 2 lần năng suất chung của toàn thành phố. Hiện nay, CNTT-TT đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa thành phố là 4,44%, gần trở thành ngành kinh tế chủ lực (từ 5% trở lên - PV).
“Việc phát triển doanh nghiệp CNTT là cực kỳ có ý nghĩa”, đồng chí Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận xét và đặt hàng đối với UBND TP.HCM thực hiện các giải pháp gia tăng số lượng doanh nghiệp CNTT-TT thật nhanh trong thời gian tới. Trường hợp, số lượng doanh nghiệp CNTT gia tăng, thu hút số lao động làm việc gấp đôi hiện nay thì sẽ đóng góp được gần 10% GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP.HCM.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, TP.HCM định hướng tập trung đào tạo nhân lực CNTT-TT (cùng với 6 ngành khác) trình độ quốc tế. Đồng thời bày tỏ, TP.HCM xác định sự đóng góp quan trọng của các ngành gắn với khoa học - công nghệ đối với kinh tế thành phố và hình thành Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Nơi đây sẽ có khu vực rộng khoảng 200 ha để thử nghiệm các công nghệ mới chưa được lưu hành chính thức.
Ưu đãi cho doanh nghiệp ứng dụng CNTT
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu chia sẻ về các giải pháp phát triển doanh nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Tại hội thảo, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, đánh giá ngành CNTT trên địa bàn thành phố phát triển nhanh và sử dụng lực lượng lao động có trình độ cao hơn các ngành khác. Thế nhưng, điện tử - CNTT vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong kinh tế thành phố. Ngoài ra, năng suất lao động của nhân lực CNTT của thành phố vẫn chưa cao, do hạn chế về kỹ năng mềm và ngoại ngữ; chưa nhận diện rõ được các sản phẩm chủ lực CNTT đại diện cho ngành trên địa bàn.
Chủ tịch UBNDTP.HCM Nguyễn Thành Phong xem triển lãm
tại Ngày hội doanh nghiệp Công nghệ Thông tin và trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Việt Dũng
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Việt Dũng, đề xuất các chính sách phát triển doanh nghiệp CNTT, như chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, hạ tầng CNTT (kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay); chương trình nghiên cứu, phát triển CNTT và điện tử viễn thông (phục vụ đô thị thông minh, cách mạng công nghiệp 4.0; thiết kế, sản xuất thử nghiệm vi mạch và sau này là chương trình nghiên cứu ứng dụng AI) bằng các cơ chế đặt hàng, tài trợ hoặc đồng đầu tư trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trong hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần thực hiện ở bằng nhiều giải pháp, nhất là xây dựng khu vực thí nghiệm các sản phẩm, dịch vụ mới cũng như cơ chế đưa sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo vào thị trường.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM Phí Anh Tuấn kiến nghị TP.HCM, đánh giá đúng vai trò của doanh nghiệp CNTT trong phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Qua đó có chính sách tăng ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư ứng dụng CNTT, đặc biệt khi sử dụng sản phẩm giải pháp trong nước. Đồng thời, xây dựng chính sách tốt cho thị trường ứng dụng CNTT trong Nhà nước như có chính sách mở thị trường công, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia.
Chia sẻ thêm với các đại biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao nội dung thảo luận của các đại biểu, đồng thời đề nghị UBND TP.HCM xem xét thành lập hội đồng phát triển CNTT-TT thành phố. Hội đồng này gồm đại diện Nhà nước (có thể là Sở TT-TT cùng một số sở khác), đại diện một số trường đại học, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực.
“Trong báo cáo chính trị cho nhiệm kỳ tới, chúng tôi xác định công thức để phát triển ngành, phát triển doanh nghiệp là thành lập hội đồng phát triển các ngành kinh tế”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ và thông tin, đây cũng là bài học kinh nghiệm, được áp dụng thành công tại Hà Lan.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị thực hiện các giải pháp để phát triển thêm 1.000 doanh nghiệp mới trong lĩnh vực CNTT-TT, để đưa ngành này trở thành ngành kinh tế chủ lực của thành phố. Bên cạnh đó, UBND Thành phố cần sớm thực hiện đề án phát triển nhân lực CNTT-TT chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế.
Ngoài ra, thí điểm mô hình tổ chức đấu thầu theo nhóm, bao gồm cả doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là mô hình doanh nghiệp lớn dẫn dắt, mà kinh nghiệm ở Singapore vận dụng rất hiệu quả.
Dịp này, UBND TP.HCM trao giải thưởng CNTT-TT năm 2019 (lần thứ 11) cho 23 cá nhân, tổ chức, vào 6 nhóm (Doanh nghiệp có sản phẩm và giải pháp phần mềm tiêu biểu; Doanh nghiệp có sản phẩm phần cứng tiêu biểu; Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng tiêu biểu; Đơn vị có ứng dụng CNTT-TT tiêu biểu; Đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển CNTT-TT thành phố và Nhóm sinh viên ngành CNTT-TT có thành tích nghiên cứu và học tập xuất sắc).
Trong đó, ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM được trao giải Cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển CNTT-TT thành phố.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tặng bằng khen cho tập thể,
cá nhân có đóng góp cho sự phát triển CNTT của TPHCM. Ảnh: Việt Dũng
Trong khuôn khổ chương trình, trưa ngày 28/12, Hội đồng quản lý Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức hội thảo hợp tác, thu hút đầu tư vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung.
Chuỗi này ban đầu có 2 thành viên: QTSC, Khu Công viên Phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM (VNU - ITP). HueCIT là đơn vị thứ ba được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho gia nhập. Dự kiến, năm 2020 khu Công viên phần mềm Mekong (Mekong ITP) sẽ trở thành thành viên thứ 4 của chuỗi.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và các đồng chí lãnh đạo TP.HCM
chúc mừng HueCIT được kết nạp tham gia vào chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Ảnh: Việt Dũng
Dịp này, QTSC ký kết hợp tác với Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) xây dựng tài liệu hướng dẫn triển khai và quản lý khu CNTT tập trung. Đây là tài liệu đúc kết thực tiễn hoạt động của QTSC, kết hợp với các khái niệm học thuật, chuyên môn nhằm từng bước chuẩn hóa các nội dung theo xu hướng quản trị khu công nghệ chung của quốc tế.
Khi hình thành, tài liệu còn được chia sẻ, hướng dẫn và chuyển giao cho các đơn vị có định hướng xây dựng khu công nghệ tại các tỉnh phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
|
Kiều Phong