SpStinet - vwpChiTiet

 

Khơi thông dòng chảy nghiên cứu khoa học

Trong chương trình lãnh đạo TPHCM gặp gỡ cán bộ Đoàn các thời kỳ, Bí thư Thành đoàn TPHCM Phan Thị Thanh Phương kiến nghị lãnh đạo TP cùng các sở, ngành hỗ trợ, cho phép các sáng kiến, nghiên cứu khoa học của người trẻ sớm được ứng dụng vào thực tiễn. Thực tế lâu nay, việc chuyển giao các công trình nghiên cứu của đoàn viên, thanh niên vẫn chưa có lối ra. 

Triệt lục bình bằng thiên địch

Chỉ về phía rạch Ông Sâu (quận 12, TPHCM) một thời ken kín lục bình, bà Phạm Thu Ân vui mừng cho biết, gần đây đám lục bình lụi dần rồi biến mất, dòng kênh thông thoáng, nhờ đó muỗi mòng cũng giảm đáng kể. Mừng nhất là mùa mưa, nước trên đường rút nhanh, chất lượng cuộc sống người dân cũng dần được cải thiện. 

Để có được kết quả trên là nỗ lực rất lớn của nhóm nghiên cứu thuộc Trường ĐH Nông Lâm TPHCM. TS Lê Khắc Hoàng, Trưởng bộ môn Bảo vệ thực vật, Khoa Nông học - chủ nhiệm công trình nghiên cứu “Sử dụng thiên địch để kiểm soát lục bình trên kênh, rạch tại TPHCM” cho biết, TPHCM hiện có khoảng 2.000km kênh rạch đóng vai trò quan trọng trong việc thoát nước trên địa bàn TP. Trong đó có 170 kênh rạch với gần 700km bị lục bình, cỏ dại phát triển ngăn dòng chảy, cản trở giao thông đường thủy, phát sinh dịch bệnh. 

Theo TS Lê Khắc Hoàng, vào các đợt chiến dịch tình nguyện, đoàn viên thanh niên TPHCM ra quân trục vớt lục bình trên kênh rạch nhưng chỉ được một thời gian là đâu lại vào đó. Nhiều nơi triệt lục bình bằng thuốc trừ cỏ, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống và các loài thủy sinh. Vì vậy anh luôn trăn trở đến một giải pháp hiệu quả hơn.

Khơi thông dòng chảy nghiên cứu khoa học  ảnh 1

Thả thiên địch để kiểm soát lục bình tại quận Bình Tân

Khoảng năm 2010, có dịp đi nghiên cứu tại Nhật Bản, TS Lê Khắc Hoàng biết đến 2 loài bọ cánh cứng là bọ Neochetina eichhorniae và bọ Neochetina bruchi có nguồn gốc từ Brazil, chỉ ăn và gây hại trên lục bình. Tìm hiểu thì biết thêm, đã có nhiều nước như Australia, Mỹ, Ấn Độ, nhiều nước châu Phi và Thái Lan dùng 2 loài bọ này để kiểm soát lục bình.

Anh ấp ủ ý định sẽ nhân giống 2 loài bọ để xử lý tình trạng lục bình xâm lấn kênh rạch tại TPHCM. Tuy nhiên, thủ tục nhập khẩu côn trùng vào Việt Nam rất khó, vì vậy anh dành nhiều năm để khảo sát trong nước, tìm kiếm 2 loài bọ trên. Năm 2014, phát hiện 2 loài bọ trên tại sông Vàm Cỏ Đông, TS Lê Khắc Hoàng lập tức thành lập nhóm nghiên cứu với kỳ vọng sẽ giải quyết vấn nạn lục bình ở TPHCM và các tỉnh ĐBSCL.

“Mất gần 3 năm nhân giống và thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, năm 2017, mẻ bọ đầu tiên gồm 80.000 con, từ 1-4 tuần tuổi được Đoàn Trường ĐH Nông Lâm kết hợp với Sở KH-CN TPHCM đem đi “chinh chiến” trên rạch Ông Sâu. Kết quả, từ 8.000m2 lục bình trên kênh này, chỉ sau 3 tháng thu hẹp còn khoảng 2.000m2. Những vạt lục bình bị phá hủy không sinh trưởng trở lại”, TS Lê Khắc Hoàng chia sẻ.

Đến nay, ngoài kết hợp với Sở KH-CN, Đoàn Trường ĐH Nông Lâm TPHCM còn kết hợp với Thành đoàn TP Thủ Đức, Quận đoàn Bình Tân xử lý triệt lục bình ở một số tuyến kênh trên địa bàn. 

 Anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM, cho biết, trong số những công trình nghiên cứu được cấp kinh phí thực hiện hàng năm có khoảng 10% là nghiên cứu ứng dụng. Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (thuộc Thành đoàn TPHCM) chọn lọc đề tài có chất lượng và đề xuất Sở KH-CN TPHCM phát triển thành đề tài cấp Sở để thuận lợi hơn trong quá trình chuyển giao và ứng dụng. Dẫu vậy, chỉ số ít công trình trong số này được chuyển giao và ứng dụng vào thực tiễn.

Trắc trở đầu ra

Nhóm nghiên cứu khoa Nông học, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng đang nghiên cứu một số vi khuẩn có ích và enzym có thể kiểm soát được mùi hôi rác thải hữu cơ. Nếu thành công, đây sẽ là một trong những giải pháp giúp cải thiện môi trường sống của người dân ở khu vực huyện Nhà Bè, Bình Chánh, quận 7 - những nơi bị ảnh hưởng nặng bởi bãi rác Đa Phước. 

Song, TS Lê Khắc Hoàng cũng trăn trở đầu ra cho công trình nghiên cứu. Như công trình triệt lục bình bằng thiên địch được Sở KH-CN TPHCM hỗ trợ kinh phí nghiên cứu lên tới hơn 2 tỷ đồng, dù đã được thử nghiệm, các nước trên thế giới triển khai nhiều năm nay nhưng hiện Đoàn Trường ĐH Nông Lâm cũng chỉ kết hợp với một số tổ chức Đoàn, triển khai trên quy mô nhỏ, lẻ.

Đó cũng là trăn trở chung của rất nhiều nhóm nghiên cứu khoa học tại các trường ĐH. TS Trần Ngọc Huy, giảng viên Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách Khoa TPHCM chia sẻ, sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, TS Huy và nhóm đã ra mắt các phiên bản robot tự hành trên mặt nước, robot ngầm dưới nước với những phiên bản khác nhau. Tuy nhiên, hiện công trình này vẫn chỉ dừng lại ở thử nghiệm trong môi trường hồ bơi, khu vực hồ nước nhỏ.

Theo đánh giá của các chuyên gia quan trắc, công trình là một giải pháp thông minh để thực hiện các cuộc khảo sát hay quan trắc môi trường nước một cách hiệu quả. Sản phẩm cũng có thể tăng thêm nhiều tính năng mới để chuyên chở thiết bị lặn cỡ nhỏ, tuần tra trinh sát, cứu hộ cứu nạn, phối hợp tác chiến trong quốc phòng an ninh.

TS Huy cho biết, xuất phát từ thực tiễn tình trạng ô nhiễm môi trường nước ngày càng nghiêm trọng cũng như những khó khăn của nhân viên quan trắc, nhóm nghiên cứu gồm các giảng viên và sinh viên của trường đã nảy ra ý tưởng nghiên cứu tàu không người lái phục vụ cho việc quan trắc sông ngòi. Thực tế, công trình có thể tự động theo dõi về nguồn ô nhiễm, thành phần và tính chất ô nhiễm, về phản ứng của thủy sinh và sự thay đổi trạng thái của nước. Sau khi tàu tự động thực hiện quan trắc sẽ thu thập thông tin đưa về website để người dùng theo dõi và xử lý.

Theo TS Huy, tại Việt Nam hiện nay nghiên cứu trong lĩnh vực này chưa nhiều. Qua thực nghiệm, công trình đã khẳng định tính hiệu quả và có giá thành rẻ hơn so với các sản phẩm ngoại nhập. Điều mong mỏi của nhóm là công trình sớm được ứng dụng phổ biến trong thực tiễn.

Nguồn: Thu Hường - Hồng Hải -sggp.org.vn.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả