SpStinet - vwpChiTiet

 

Công nghiệp vi mạch tạo nền tảng cho nhiều ngành công nghệ phát triển

TP. Hồ Chí Minh đã xác định ngành công nghiệp vi mạch trở thành một ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, làm nền cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng đô thị thông minh, góp phần triển khai thành công các chương trình đột phá của thành phố nhằm giải quyết cơ bản ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường và hạ tầng các lĩnh vực trọng tâm khác…

Công nghiệp vi mạch đã gặt hái nhiều thành quả

Từ tháng 8/2018 UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án ươm tạo DN công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt giai đoạn 2017- 2020 và giao cho Vườn ươm DN công nghệ cao (SHTP- IC) là đơn vị thực hiện với sự quản lý của Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP), Sở Khoa học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh. Qua quá trình hoạt động, việc thương mại hóa sản phẩm của các dự án ươm tạo đã có những bước phát triển vượt bậc. Đề án ươm tạo đã thu hút 19 dự án trong lĩnh vực vi mạch tham gia và 100% dự án đều được hỗ trợ đăng ký và cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ, 10 DN được chứng nhận DN KHCN.

Đến nay ngành vi mạch đã đưa vào ứng dụng cho các thiết bị chiếu sáng, các sản phẩm như thiết bị giám sát hành trình ôtô, xe máy, điện kế điện tử, thiết bị thu thập dữ liệu... Ứng dụng trong sản phẩm cảm biến áp suất dùng để đo mực nước trong cảnh báo chống ngập, cảnh báo ùn tắc giao thông. Hay ứng dụng trong hệ thống camera AI phân tích hình ảnh ứng dụng trong giao thông, các vi mạch trong các thiết bị quan trắc môi trường nước, môi trường không khí... Đặc biệt, trong bối cảnh xây dựng và phát triển thành phố thông minh, việc ứng dụng vi mạch trong các thiết bị đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống cũng có nhu cầu lớn và đa dạng.

Ngoài ra, trong các ngành y tế, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng qua hệ thống y tế thông minh khám chẩn đoán từ xa, hệ thống cảnh báo ô nhiểm môi trường, an toàn thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, việc ứng dụng công nghệ tự động chăm sóc cây trồng từ xa... đã góp phần thiết thực trong việc nâng cao chất lượng đời sống người dân. Tổng doanh thu hàng năm của các dự án tham gia chương trình phát triển ngành vi mạch đạt gần 20 tỷ đồng.

Công nghiệp vi mạch tạo nền tảng cho nhiều ngành công nghệ phát triển

Sản phẩm Chip SG8V1 do Việt Nam thiết kế sản xuất được ứng dụng trong điện kế điện tử

Theo ông Lê Thành Nguyên - Giám đốc SHTP- IC chương trình, với mục tiêu xây dựng nền tảng cơ bản cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, đưa sản phẩm vi mạch do các đơn vị trong nước nghiên cứu, sản xuất vào ứng dụng trong các sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin của DN Việt Nam, qua đó hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong ngành công nghiệp vi mạch.

Để hỗ trợ tốt nhất cho các dự án, SHTP- IC đã xây dựng mạng lưới các chuyên gia, cố vấn, các đối tác đến từ các DN, quỹ đầu tư, các trường đại học. Trong quá trình triển khai chương trình, SHTP-IC tổ chức các sự kiện, cuộc thi ứng dụng những xu hướng công nghệ hiện nay như IoT, AI vào giải pháp vi mạch của các dự án ươm tạo, qua đó giúp nâng cao giá trị, tính bền vững, khả năng phát triển của DN.

Ngành vi mạch liên kết cùng phát triển trong bối cảnh mới

Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý SHTP đánh giá TP. Hồ Chí Minh xác định ngành công nghiệp vi mạch trở thành một ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, làm nền cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng đô thị thông minh, góp phần triển khai thành công các chương trình đột phá của thành phố nhằm giải quyết cơ bản ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường và hạ tầng các lĩnh vực trọng tâm… Chương trình phát triển vi mạch của thành phố cũng cần những bước đi dài hạn, đi vào các hướng giá trị gia tăng cao, đặc thù và cần sự gắn kết giữa các DN, đơn vị để thúc đẩy phát triển.

Thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch phát triển trong giai đoạn mới, đến nay Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP. Hồ Chí Minh (HSIA) đã ký kết biên bản hợp tác với 3 đơn vị: Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (trong kế hoạch xây dựng phòng thí nghiệm vi mạch bán dẫn), Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (đẩy mạnh chương trình đào tạo về vi mạch) và Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh (phụ trách truyền thông và tổ chức các sự kiện lớn của HSIA). Đến nay nhiều hoạt động thúc đẩy ngành vi mạch phát triển như Vườn ươm DN công nghệ cao và HSIA tổ chức kết nối hỗ trợ cách thức thương mại hóa cho các startup công nghệ trong nhiều lĩnh vực cơ khí - điện - thiết bị công nghệ cao. Các startup sẽ được các DN lớn đóng vai trò đầu tàu, kết nối hệ sinh thái với các công ty nhỏ, tạo thành một chuỗi sản xuất, cùng nhau mở ra thị trường tiêu thụ sản phẩm vi mạch.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HSIA để tạo thuận lợi cho sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch các hội viên HSIA là những cá nhân, đơn vị có uy tín và nguồn lực mạnh cùng cam kết hỗ trợ cùng phát triển ngành. Các thương hiệu lớn trong và ngoài nước cũng đã và đang khẳng định chiếm lĩnh thị trường, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao và có nhiều hợp tác với các trường, viện về đào tạo, tập huấn và nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Số lượng sinh viên theo học các ngành liên quan ngày càng tăng về số lượng, cũng là một trong những yếu tố quan trọng về nhân lực để đẩy mạnh hợp tác giữa HSIA với trường, viện và DN trong ngành vi mạch.

Nguồn: Ngọc Thảo - congthuong.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả