Ứng dụng nhiều lĩnh vực
Bảo quản, chế biến sau thu hoạch là thách thức lớn cho người trồng trọt. Bấy lâu nay, nông dân và các doanh nghiệp nhỏ thường sử dụng phương pháp sấy nhiệt như phơi nắng, sấy trong lò hơi để chế biến, bảo quản thực phẩm. Phương pháp này mất nhiều thời gian và khó giữ lại đầy đủ chất dinh dưỡng có sẵn trong nông sản, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ vi khuẩn có hại xâm nhập. Song với công nghệ sóng siêu cao tần (vi sóng) có thể giúp nông dân, doanh nghiệp nhỏ chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm hiệu quả hơn nhiều lần.
Công nghệ này do TS. Nguyễn Đình Uyên và ThS. Trần Văn Sư, Khoa Điện tử-Viễn thông, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM, nghiên cứu. “Ưu điểm của công nghệ sấy vi sóng là nhiệt được thâm nhập bằng những tia sóng siêu nhỏ, giúp tất cả các thành phần trong sản phẩm đều được làm khô trong thời gian rất ngắn, giữ lại hầu hết các chất dinh dưỡng và màu sắc ban đầu của nông sản, thực phẩm. Bên cạnh đó, sóng siêu cao tần còn có thể tiêu diệt được 2 loại vi khuẩn gây hại là E.coli và Salmonella có trong nông sản, thực phẩm”, ThS. Trần Văn Sư cho hay.
Từ năm 2009, khi Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) quyết định được dùng sóng siêu cao tần diệt khuẩn trong bảo quản thức ăn đóng hộp đến nay, sóng siêu cao tần được sử dụng ngày càng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực diệt khuẩn cho thức ăn, sấy khô nông sản... Năm 2010, số lượng sáng chế mới về sử dụng sấy vi sóng trong chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm tăng nhanh, từ 22 sáng chế (năm 2010) lên 100 sáng chế (năm 2018).
Tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên cho biết thêm, sóng siêu cao tần đã được dùng rộng rãi để diệt vi khuẩn trong ngành y tế từ rất lâu. Hiện tại, sóng siêu cao tần được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như diệt khuẩn cho thức ăn, sấy trái cây, sấy gỗ, diệt mọt trong gạo hay hạt đậu... Tại Việt Nam, công nghệ vi sóng đã được ứng dụng tại một số doanh nghiệp lớn trong nước, nhưng do giá thành cao nên đa số doanh nghiệp nhỏ, nông dân vẫn chưa tiếp cận được công nghệ này.
Cơ hội rộng mở
Xuất phát từ đề tài nghiên cứu sử dụng vi sóng diệt khuẩn trong nước yến do Sở KH&CN TP.HCM hỗ trợ, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên đã hợp tác với Công ty CP Máy và Thiết bị công nghiệp quốc tế để phát triển giải pháp sấy nông sản bằng vi sóng và thử nghiệm trên nhiều loại nông sản như ớt, chuối, xoài, mít, ca cao...
Trước đó, khi nghiên cứu thử nghiệm sử dụng vi sóng diệt khuẩn trong nước yến tại Công ty Song Yến, hệ thống giúp tăng năng suất sấy từ 10.000 chai/8 giờ lên 19.200 chai/8 giờ. Thời gian tiệt trùng cũng giảm từ khoảng 60 phút xuống chỉ còn 5 phút; đồng thời, chi phí tiệt trùng chỉ còn 10 đồng/chai so với 190 đồng/chai lúc trước. Qua đó, ước tính công ty có thể tiết kiệm được 160 triệu đồng/tháng.
Còn giải pháp sấy nông sản bằng vi sóng và thử nghiệm trên nhiều loại nông sản như ớt, chuối, xoài, mít, ca cao… đã đạt được kết quả tích cực, khi thời gian sấy giảm từ vài ngày (với phương pháp truyền thống) xuống chỉ còn vài phút. Màu sắc, dinh dưỡng của sản phẩm cũng được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Với công nghệ này, vi sóng làm các phân tử nước trong nông sản dao động và bay hơi nhanh. Năng lượng chỉ tập trung ở vật cần sấy chứ không tỏa ra xung quanh như sấy nhiệt nên tiết kiệm đáng kể năng lượng sử dụng. Nhờ đó, phương pháp này giải quyết được những hạn chế của phương pháp sấy phổ biến như phơi nắng, sấy nhiệt…
Hiện công trình nghiên cứu này đã được Công ty CP Máy và Thiết bị công nghiệp quốc tế đưa vào ứng dụng sản xuất và đã lắp đặt thử nghiệm tại một số doanh nghiệp. Theo kỹ sư Đào Quốc Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Máy và Thiết bị công nghiệp quốc tế, đây sẽ là sản phẩm có chất lượng cao nhằm rút ngắn thời gian sấy sản phẩm, tiết kiệm được điện năng, giá thành hợp lý. Hơn nữa thiết bị sấy vi sóng có thể được lắp đặt linh hoạt, lắp cố định hoặc lắp trên các bệ di động, trên container và rất sạch sẽ, thân thiện với môi trường.
Thiết bị này phù hợp sử dụng sấy khô các nông sản như xoài, mít, đậu phộng, hạt điều, hạt ca cao... Sắp tới, công ty sẽ đưa vào sản xuất hàng loạt nhằm giảm tối đa giá thành để các doanh nghiệp nhỏ và nông dân có thể tiếp cận được công nghệ mới này.