Đánh giá phóng xạ tự nhiên và liều chiếu ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương
31/12/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Hiện nay, việc đánh giá, đo đạc hiện trường và xây dựng bản đồ phông phóng xạ tự nhiên ngày càng trở nên cấp thiết. Việc nghiên cứu này là một yêu cầu bắt buộc đối với các nước đã, đang và sẽ phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Đáp ứng yêu cầu của thực tế, tác giả Trần Quốc Dũng (Trung tâm Hạt nhân TP.HCM, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam) đã tiến hành nghiên cứu “Đánh giá phóng xạ tự nhiên và liều chiếu ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.
Thông qua việc phân tích, đánh giá hiện trạng nền phông phóng xạ trên cơ sở các kết quả có được qua xạ trình đường bộ với 2.504 điểm và phân tích hoạt độ của các nhân phóng xạ 232Th, 40K, 226Ra, 137Cs trong 247 mẫu đất được thu thập.
Kết quả cho thấy, trong 7 khu vực khảo sát: Dĩ An là khu vực có giá trị suất liều trung bình cao nhất (1,672 mSv/năm), Phú Giáo và Dầu Tiếng là khu vực có suất liều trung bình thấp nhất (lần lượt là 1,002 mSv/năm và 1,071 mSv/năm). Giá trị trung bình là 1,376 mSv/năm và dao động trong khoảng 0,148 – 3,049 mSv/năm. Các tính toán cho thấy, hoạt độ trung bình theo trọng số dân cư đối với các nhân 232Th, 226Ra, 40K lần lượt là 37,77 Bq/kg; 27,11 Bq/kg và 109,13 Bq/kg. Suất liều hấp thụ trong không khí của các mẫu khảo sát có giá trị trong khoảng 12,20 – 12,24 (nGy/h), giá trị trung bình là 37,71 (nGy/h).
Kết quả nghiên cứu đã khẳng định không có sự nguy hiểm phóng xạ nào đối với người dân sinh sống tại Bình Dương.
Nguồn: Tạp chí KH&CN Việt Nam, số 11/2015