Sinh kế và sử dụng tài nguyên của nông hộ trong quá trình chuyển đổi: nghiên cứu tại một cộng đồng vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên
02/07/2012
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Hà Thúc Viên và Ngô Minh Thụy (Đại học Nông Lâm Tp.HCM) thực hiện. Nghiên cứu tiến hành tại xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, thuộc khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Cát Tiên (VQGCT) nhằm đánh giá sinh kế nông hộ trong quá trình chuyển đổi dưới sự tác động của đổi mới chính sách kinh tế, đất đai, quản lý và bảo tồn tài nguyên, các chính sách và dự án phát triển liên quan; đề xuất các giải pháp để tăng cường năng lực, phát triển sinh kế nông hộ bền vững và quản lý sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên.
Theo đó, công tác giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình và cá nhân theo Nghị định 64/NĐ-CP tại địa bàn nghiên cứu diễn ra chậm và vẫn chưa hoàn thành do sự kết hợp nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài ra trong thời gian qua có nhiều dự án đầu tư để phát triển sinh kế bền vững và bảo tồn tài nguyên trên địa ban xã. Tuy nhiên, hiệu quả của các dự án này không cao và có đời sống ngắn do tổ chức thực hiện không tốt, thiếu nhất quán, thiếu sự hợp tác và tham gia thực sự từ phía người dân.
Nguồn lực sinh kế của nông hộ chủ yếu là lao động và đất đai, và đóng vai trò quyết định đến sinh kế nông hộ. Xét về mặt số lượng, các nông hộ trong vùng nghiên cứu sở hữu hai loại nguồn lực này rất dồi dào. Nhưng từ phương diện sử dụng, đất đai có xấu, độ dốc lớn khó canh tác và dễ bị xói mòn; lao động có trình độ học vấn thấp và phần lớn không qua đào tạo. Phần lớn nông hộ thiếu vốn sản xuất, công cụ sản xuất thô sơ, và nguồn lực xã hội hạn chế. Tiếp cận nguồn lực sản xuất khó khăn do xa thị trường. Việc thực thi các chính sách đổi mới kinh tế, đất đai, quản lý tài nguyên và mở cửa thị trường tác động một cách mạnh mẽ đến sở hữu và tiếp cận nguồn lực sản xuất của nông hộ, đặc biệt là đất đai và tín dụng, nguồn đầu vào sản xuất. Tuy nhiên, sự khác biệt nguồn lực sản xuất ban đầu của nông hộ giữa các nhóm kinh tế và dân tộc khác nhau tác động mạnh mẽ đến việc tiếp cận nguồn lực sản xuất của họ.
Sự thay đổi cấu trúc và sở hữu các loại nguồn lực sản xuất, áp lực của thị trường, các cơ hội sinh kế ngoài nông nghiệp do quá trình phát triển mang lại dưới sự tác động của các chính sách phát triển và bảo tồn tài nguyên, các nông hộ có xu hướng tái phân bố nguồn lực sản xuất để đa dạng hoá sinh kế của họ theo hướng phát triển nông nghiệp thương mại, và các sinh kế ngoài nông nghiệp, bên cạnh đó vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động khai thác lâm sản, đặc biệt các loại lâm sản ngoài gỗ với mục đích thương mại. Sự thay đổi mô hình sinh kế theo hướng đa dạng hoá và thâm canh hoá tác động tích cực đến tăng trưởng thu nhập của nông hộ. Tuy nhiên, do sự khác biệt về nguồn lực ban đầu và khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất giữa các nông hộ, làm cho họ phát triển các mô hình sinh kế khác nhau và tốc độ tăng trưởng thu nhập khác nhau. Các hộ có nguồn lực sản xuất dồi dào và tiếp cập tốt hơn các nguồn lực sản xuất thường tập trung vào nông nghiệp thâm canh và các hoạt động phi nông nghiệp có mức thâm dụng vốn cao hơn và trình độ học vấn tốt hơn, chính vì thế thu nhập của họ cũng tăng trưởng nhanh hơn. Ngược lại các hộ nghèo và dân tộc thiểu số có xu hướng phát triển mô hình sinh kế bán thị trường dựa vào thâm dụng tài nguyên và sức lao động chân tay. Quá trình chuyển dịch sinh kế theo hướng thị trường, tuy nhiên, trở nên thách thức lớn cho môi trường và bảo tồn tài nguyên và đa dạng sinh học, vì đây là một vùng sinh thái nhạy cảm và dễ bị tác động.
Trong quá trình phát triển sinh kế nông hộ gặp rất nhiều khó khăn như tiếp cận nguồn lực sản xuất, đặc biệt là vốn, thị trường, và khoa học công nghệ. Chính vì thế để đẩy nhanh quá trình đa dạng hoá sinh kế và tăng thu nhập, giảm thiểu mức phụ thuộc vào tài nguyên rừng, các chính sách và chương trình phát triển cần tập trung cải thiện an toàn sử dụng đất đai và tài nguyên; nâng cao năng lực sản xuất cho nông hộ, đặc biệt là các nông hộ nghèo và dân tộc thiểu số. Hướng nông dân phát triển các mô hình sinh kế xanh, sử dụng tài nguyên hợp lý và giảm thiểu thâm dụng tài nguyên thiên nhiên.
LV (nguồn: Kỷ yếu hội thảo khoa học, ĐH Tôn Đức Thắng, 5/2012)