Nghiên cứu biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm rối loạn calci-phosphor ở bệnh nhân suy thận mạn tính
21/05/2010
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Nguyễn Vĩnh Hưng thực hiện tìm hiểu mối tương quan của rối loạn chuyển hóa calci-phosphor với bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối, tìm hiểu một số biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng có liên quan đến tình trạng biến loạn calci-phosphor huyết thanh ở bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối.
Nghiên cứu tiến hành với 34 bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối được điều trị tại Khoa Thận, Bệnh viện Bạch Mai, có so sánh với nhóm chứng (là những người không suy thận). Kết quả, về tỷ lệ rối loạn chuyển hóa calci-phosphor và mối tương quan với suy thận mạn tính giai đoạn cuối: 97% bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối có rối loạn chuyển hóa calci-phosphor. Nồng độ calci huyết thanh giảm dưới 1,9 mmol/l chiếm 93%. Nồng độ calci ion hóa giảm dưới 0,9 mmol/l chiếm 70%. Nồng độ phosphor niệu giảm dưới 40 mmol/24h chiếm 97%. Sự thay đổi nồng độ calci-phosphor trong hệ thống và nước tiểu liên quan với nồng độ creatinine trong huyết thanh và mức lọc cầu thận. Khi mức lọc cầu thận giảm dưới 10ml/phút, nồng độ cretinine trong huyết thanh tăng trên 900 μmol/l, 97% các trường hợp có biến loạn calci-phosphor. Về biểu hiện các triệu chứng lâm sàng: dị cảm là dấu hiệu thường gặp chiếm tỷ lệ 85,3%. Ngứa xuất hiện với tỷ lệ 70,6%. Dấu hiệu chuột rút gặp trong 58,9% các trường hợp. Rung giật ngón tay gặp trong 55,9% các trường hợp. Đau xương gặp trong 52,9% các trường hợp. Đau cơ gặp trong 52,9% các trường hợp. Dấu hiệu Chvostek gặp trong 14,7% các trường hợp. Dấu hiệu Trouseau gặp trong 14,7% các trường hợp. Cơn tetanie xuất hiện trong 11,8% bệnh nhân. Không có bệnh nhân nào có biểu hiện co cơ thanh quản, khí quản, viêm khớp, đứt gân, gãy xương, hội chứng đỏ mắt. Biểu hiện tổn thương xương trên phim X quang xương sọ gặp trong 38,2% các bệnh nhân, xương bàn tay gặp 11,4% bệnh nhân.
LV (nguồn: Y học thực hành, số 7/2009)