Nghiên cứu thu hồi các chất dinh dưỡng từ rác thải sinh hoạt phục vụ cây trồng
06/05/2010
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do PGS.TS Nguyễn Thị Kim Thái, NCS.ThS Nghiêm Vân Khanh, NCS.ThS Nguyễn Thu Huyền (Viện KHKT Môi trường, Trường ĐH Xây dựng) thực hiện nhằm triển khai thử nghiệm mô hình công nghệ ủ sinh học phù hợp để nâng cao hiệu quả xử lý rác thải hữu cơ trong điều kiện Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu trên mô hình pilot đặt tại nhà máy xử lý rác thải thành phân hữu cơ Cầu Diễn (Hà Nội) đã xác định có tới 70% lượng chất hữu cơ bị thất thoát trong quá trình xử lý rác tại nhà máy xử lý rác thải Cầu Diễn; xác định được tỷ lệ phối trộn 4 rác với 1 phân bùn tự hoại sẽ tạo ra phân bón có chất lượng cao; …
Các chất hữu cơ có vai trò hết sức quan trọng đối với độ phì của đất và dinh dưỡng cây trồng. Nó ảnh hưởng quyết định đến sự tạo thành và làm bền vững cấu trúc đất. Chất hữu cơ có khả năng tương tác với các chất dinh dưỡng, điều phối theo nhu cầu của cây trồng, đồng thời giữ độ ẩm tối ưu cho cây trồng, khử nhiều loại độc tố, tạo thành hệ tổng thể đảm bảo duy trì độ phì nhiêu của đất và sự phát triển của cây trồng. Qua thực tế sử dụng cho thấy, phân bón hữu cơ chế biến từ rác hữu cơ sinh hoạt là một trong những loại phân có chất lượng tốt. Ngoài các nguyên tố đa lượng quan trọng như đạm, lân, kali, nó còn có nhiều nguyên tố vi lượng khác giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển bền vững. Phân hữu cơ chế biến từ rác thải sinh hoạt không chỉ cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cây trồng mà còn có tác dụng chống thoái hóa, ô nhiễm đất, đặc biệt góp phần giúp cho sản xuất nông nghiệp bớt lệ thuộc một phần vào việc sử dụng phân vô cơ.
LV (nguồn: TC Xây dựng, 2/2010)