SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu đánh giá về thực trạng tiếp nhận và quản lý viện trợ nước ngoài trong lĩnh vực y tế

Đề tài do tác giả Trần Thị Giáng Hương (Bộ Y tế) thực hiện nhằm mô tả thực trạng thủ tục tiếp nhận viện trợ ODA bao gồm các vấn đề mà các cơ quan tiếp nhận viện trợ phía Việt Nam gặp phải khi tiếp nhận viện trợ; phân tích nguyên nhân và rút ra một số kiến nghị để cải thiện thủ tục tiếp nhận viện trợ và tăng cường hiệu quả viện trợ trong lĩnh vực y tế.

Nghiên cứu tiến hành với các chủ nhiệm dự án, cán bộ dự án của 20 dự án viện trợ không hoàn lại được thực hiện trong khoảng thời gian từ 1990-2000 cho các lĩnh vực khác nhau của ngành y tế do các nhà tài trợ nước ngoài viện trợ.
Kết quả cho thấy, chi phí giao dịch phát sinh chủ yếu ở giai đoạn chuẩn bị, xây dựng, thẩm định, phê duyệt dự án và thực hiện dự án. Nguyên nhân phát sinh các chi phí giao dịch này do cả 2 phía nhà tài trợ và phía tiếp nhận viện trợ. Do nhà tài trợ gồm sự chi phối quá lớn của nhà tài trợ trong quá trình xây dựng và thực hiện dự án, quá trình khởi động dự án kéo dài, chi phí cho các chuyên gia quốc tế chiếm tỷ lệ quá cao trong tổng ngân sách dự án, thủ tục của nhà tài trợ phức tạp… Do phía tiếp nhận tài trợ là do thiếu năng lực và kinh phí cho quá trình chuẩn bị dự án, thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án phức tạp, các thủ tục về tài chính phức tạp, việc đảm bảo vốn đối ứng gặp khó khăn, thiếu năng lực quản lý dự án, trình độ ngoại ngữ hạn chế…
Như vậy, để sử dụng hiệu quả nguồn lực y tế, cần xây dựng được một chiến lược rõ ràng để chủ động thu hút viện trợ, tăng cường quản lý nhà nước trong quản lý ODA và tăng cường tính làm chủ quốc gia đối với nguồn lực quý báu này, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Để tăng cường hiệu quả và tính bền vững của các dự án viện trợ nước ngoài, có nhiều vấn đề cần đặt ra đó là công tác quản lý ODA và hài hòa thủ tục ODA. Đặc biệt là việc cải tiến, tinh giảm các thủ tục thẩm định, phê duyệt đấu thầu, thanh quyết toán tài chính của các dự án chương trình viện trợ ODA, bố trí vốn đối ứng kịp thời đầy đủ, tăng cường công tác giám sát, đánh giá các hoạt động của dự án, tăng cường năng lực quản lý, chuyên môn và ngoại ngữ cho các cán bộ quản lý và thực hiện dự án ở các cấp. Để cải thiện những bất cập trên nhằm tăng cường hiệu quả viện trợ, một số giải pháp được các nhà tài trợ và các cơ quan đối tác Việt Nam quan tâm đó là phương thức tiếp cận theo ngành (SWAP), hỗ trợ ngân sách… các vấn đề này sẽ được tiếp tục đề cập trong các nghiên cứu sau.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 4/2008)



Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả