Cây môn (colocasia): nguồn thức ăn địa phương sử dụng trong chăn nuôi lợn quy mô nông hộ
25/03/2009
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Ngô Hữu Toàn, Trần Thị Ngân (Trường ĐH Nông lâm Huế - ĐH Huế), T R Preston (Finca Ecologica, TOSOLY, AA48 Socorro, Colombia) thực hiện nghiên cứu xác định các giống môn được sử dụng trong chăn nuôi lợn, năng suất sinh khối, mùa vụ sẵn có trong năm, giá trị dinh dưỡng cùng phương thức sử dụng cây môn làm thức ăn nuôi lợn ở quy mô nông hộ tại các vùng sinh thái khác nhau ở Thừa Thiên Huế đem lại hiệu quả kinh tế nhất.
Theo đó, ở các tỉnh miền Trung nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, cây môn (colocasia) là cây được người dân trồng phổ biến ở nhiều nơi. Sản phẩm phụ từ cây môn là thân và lá được người dân sử dụng phổ biến trong chăn nuôi lợn. Kết quả nghiên cứu đã xác định được 8 giống môn gồm môn Nước, môn Chìa vôi, môn Thọ (môn đỏ), môn Bạc hà, môn Mọi, môn Chúm (môn tím), môn Sáp vàng, môn rừng (không trồng) thuộc họ Colocasiodeae (Alocasia, Colocasia, and Xanthosoma) là các giống phổ biến và sẵn có quanh năm ở Thừa Thiên Huế. Chúng được trồng rộng rãi ở vùng đồng bằng và ven biển với năng suất sinh khối và khả năng tái sinh cao và có thể mọc tự nhiên ở vùng đồi núi. Trong điều kiện thí nghiệm, năng suất sinh khối của chúng có thể đạt từ 272,9-373,1 tấn/ha/năm qua 9 lần cắt. Thân lá cây môn có hàm lượng protein cao (16,51-18,20% VCK – vật chất khô), được sử dụng làm nguồn thức ăn giàu protein trong chăn nuôi lợn. Ủ chua thân lá cây môn làm tăng lượng ăn vào, tăng trọng/ngày và tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng tốt hơn một cách có ý nghĩa so với phương pháp nấu và cho ăn sống đối với lợn F1 (ĐB x MC) nuôi trong điều kiện nông hộ. Do vậy ủ chua thân lá cây môn là phương pháp tốt trong chăn nuôi lợn nhằm tăng lợi nhuận và tỷ lệ hoàn vốn cho người chăn nuôi quy mô nông hộ. Nhóm tác giả đề nghị nên giới thiệu phương pháp ủ chua thân lá cây môn cho người chăn nuôi lợn để áp dụng đại trà trong chăn nuôi quy mô nông hộ. Xác định thành phần, hàm lượng và tỷ lệ tiêu hóa amino acid của thân và lá các giống môn phổ biến. Phân tích hàm lượng Calcium Oxalat có trong thân, lá môn.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, 6/2008)