Đánh giá hiện trạng môi trường nước tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu phục vụ nuôi tôm
29/01/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do nhóm tác giả Lưu Đức Điền, Đỗ Quang Tiền Vương, Nguyễn Thanh Trúc… (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản 2) thực hiện, thuộc Chương trình “Quan trắc, cảnh báo môi trường một số vùng nuôi thủy sản các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2013”. Đây là chương trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lựa chọn hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu trong quan trắc chất lượng nguồn nước nuôi nuôi tôm khu vực Nam Bộ.
Kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước phục vụ nuôi tôm ở Sóc Trăng và Bạc Liêu vào ba đợt (tháng 3, tháng 5 và tháng 7) năm 2013 ghi nhận các vấn đề: ô nhiễm hữu cơ tại vùng trong cống điều tiết mặn tỉnh Bạc Liêu và vùng huyện Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng); sự suy giảm sức chịu tải môi trường ở hầu hết các điểm quan trắc; sự hiện diện vượt giới hạn cho phép của vi khuẩn Vibrio có khả năng gây bệnh cho tôm trong giai đoạn vụ nuôi tôm chính; ô nhiễm chất thải sinh hoạt giai đoạn nước ngọt đổ về nhiều (tháng 5 và tháng 7).
Thông số Coliform chỉ thị ô nhiễm chất thải sinh hoạt có tỷ lệ vượt giới hạn cho phép tăng dần theo lưu lượng nước ngọt đổ ra biển. Mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm chất thải sinh hoạt đối với nguồn nước nuôi thủy sản giảm dần từ nội đồng ra ven biển và theo mức độ thông thoáng của nguồn nước. Chỉ số tai biến môi trường tổng thể đối với các thông số thủy hóa (RQtt thủy hóa) ở mức ảnh hưởng tai biến môi trường chiếm 67%, mức an toàn về mặt môi trường chiếm 21%.
Kết quả của việc quan trắc các yếu tố chất lượng nước sẽ cho biết sự biến động của chúng, giúp những nhà quản lý ngành có thông tin về chất lượng môi trường và diễn biến có thể xảy ra đối với các đối tượng nuôi thủy sản. Qua đó, họ có những biện pháp theo dõi xử lý thích hợp và kịp thời để bảo vệ môi trường, đồng thời có thể đưa ra những giải pháp nhằm tránh các rủi ro do môi trường bất lợi.
LV (nguồn: HN KHCN ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. HCM lần 2-2014)