SpStinet - vwpChiTiet

 

Phân tích thích nghi đất đai phục vụ cho quy hoạch sử dụng đất đai huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai

Trong nghiên cứu này, các tác giả Nguyễn Ngọc Thy, Trương Đỗ Thùy Linh (Đại học Nông Lâm TP.HCM) sử dụng đánh giá đa chỉ tiêu (MCE) để đánh giá sự thích nghi của các đơn vị đất đai dưới sự trợ giúp của hệ thống thông tin địa lý (GIS). Hàm fuzzy membership được sử dụng để chuẩn hóa các bản đồ đơn tính và các chỉ số thích nghi cho các kiểu sử dụng đất chủ yếu ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Việc ứng dụng GIS trong đánh giá đất đai đã chứng tỏ sự vượt bậc của công nghệ so với các phương pháp thủ công trước đây. Nghiên cứu đã sử dụng nhiều nguồn dữ liệu khác nhau từ các phần mềm Microstation, Mapinfo và Idrisi để kết nối dữ liệu không gian và thuộc tính nhằm lưu trữ, xử lý và quản lý cơ sở dữ liệu trong môi trường GIS.

Theo đó, điều kiện tự nhiên của Định Quán đặc trưng bởi năm nhóm đất chính gồm Acrisol, Ferrasol, Luvisol, Gleysol và Andosol tương ứng 63,42%, 21,56%, 13,71%, 0,77 % và 0,54% tổng diện tích điều tra. Đánh giá hiện trạng sử dụng đất huyện Định Quán cho thấy có sự chuyển đổi của cây hàng năm sang cây lâu năm do giá trị kinh tế và chính sách môi trường của khu vực nghiên cứu. Hệ thống cây hàng năm là hệ thống “đầu vào thấp - đầu ra thấp” không thể bền vững ở khía cạnh kinh tế và sinh học bởi vì sản lượng tăng theo thời gian dẫn đến giảm độ phì của đất. Đối với cây lâu năm, diện tích điều tăng nhanh và thay thế diện tích cây cà phê trước đây do điều kiện thổ nhưỡng hạn chế và giá cả thị trường bấp bênh. Lợi nhuận kinh tế của cây điều không cao nhưng đầu tư thấp, nên đây là yếu tố cần thiết đối với nông dân nghèo.

Các kết quả nghiên cứu về thích nghi tự nhiên cho các cây trồng chính như lúa nước hai vụ, bắp hai vụ, mía, cao su, điều, chôm chôm được trình bày trong nghiên cứu này là sự thích nghi của mỗi loại cây trồng hay mỗi hệ thống canh tác và sự thích nghi tương đối bằng việc đánh giá tất cả các loại hình sử dụng đất chính với nhau. Hai viễn cảnh được xây dựng hỗ trợ quy hoạch sử dụng đất, một là giảm hiện trạng diện tích cây bắp xuống 20% diện tích nhằm giảm bớt mức độ xói mòn trên những khu vực đất dốc, hai là mở rộng diện tích cây ăn quả (chôm chôm) lên 50% diện tích hiện có nhằm tăng khả năng sản xuất của đất.

Kết quả nghiên cứu từ hai viễn cảnh được trình bày qua các bản đồ sử dụng đất phục vụ cho các quyết định của các thành phần trong việc hoạch định quy hoạch. Kết quả nghiên cứu đánh giá đất theo tính chất đất cấp huyện hỗ trợ việc lựa chọn các loại cây trồng. Những người ra quyết định có thể kết hợp kết quả với các khía cạnh khác như hỗ trợ sản xuất, thị trường, tập quán và tác động môi trường để đề ra các chính sách thích hợp cho phát triển nông thôn. Thông tin không gian trong nghiên cứu này cũng cần thiết trong quá trình quy hoạch sử dụng đất, có thể giúp chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ các quyết định về phân bổ đất đai.
 
LV (HN KHCN ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. HCM lần 2-2014)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả