Ở kỳ TechMart chuyên ngành trồng trọt, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm diễn ra tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM (09-10/05/2019), ThS. Phan Văn Hiệp chính thức giới thiệu 3 dòng máy đã sẵn sàng thương mại hóa gồm: (1) Thiết bị sấy bánh tráng, bún gạo, hủ tiếu ứng dụng năng lượng mặt trời với giàn sấy động trục đứng; (2) Thiết bị sấy cá ứng dụng năng lượng mặt trời với giàn sấy động trục ngang; (3) Thiết bị sấy trái cây, nông sản, thủy sản ứng dụng năng lượng mặt trời với giàn sấy động trục đứng. Các dòng máy này có thể phơi sấy đa dạng chủng loại sản phẩm nhờ vào sự linh hoạt cài đặt các thông số sấy cho thiết bị trên màn hình giao diện LCD (nhiệt độ sấy, thời gian sấy, thời gian khử vi sinh, tốc độ luồng tác nhân sấy, …); đặc biệt thiết bị giúp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối nhờ vào thiết kế buồng sấy kín, lọc bụi không khí sấy và công nghệ khử vi sinh bằng tia cực tím; nâng cao chất lượng và cảm quan của sản phẩm. Nhiều đơn vị đã ký thỏa thuận hợp tác để ứng dụng máy trong hoạt động chế biến nông sản và thực phẩm, đưa được sản phẩm vào các chuỗi tiêu thụ uy tín như Co.opmart, Bách Hóa Xanh…và phục vụ xuất khẩu.
Hiện nay, các dòng thiết bị sấy động ứng dụng năng lượng mặt trời trục ngang và trục đứng đang tiếp tục được ThS. Phan Văn Hiệp triển khai ứng dụng cho nhiều hộ sản xuất cá thể, các hợp tác xã, các công ty chế biến thủy sản, nông sản ở khắp mọi miền cả nước (Cà Mau, Khe Sanh - Lao Bảo, Bến Tre…) với công suất phơi sấy lên đến cả tấn sản phẩm mỗi mẻ phơi sấy. Sản phẩm phơi sấy chủ lực là các loại cá (khô hoàn toàn hoặc khô một nắng), tôm khô, khô gà, khô bò một nắng, trái cây, dược liệu…
Ít ai biết rằng, loạt sản phẩm nói trên là thành quả khởi nguồn từ đề tài nghiên cứu khoa học.
Cuối năm 2017, ThS. Phan Văn Hiệp hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học “Thiết kế, chế tạo thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời với giàn sấy động cho cá sặc rằn tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM giao trường Đại học Văn Hiến chủ trì. Tiếp đó, ngày 22/03/2018, ThS. Phan Văn Hiệp chính thức công bố và giới thiệu chi tiết về chiếc máy sấy mới tại Hội thảo “Công nghệ sấy động ứng dụng năng lượng mặt trời trong chế biến thực phẩm” tổ chức tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI).
Kết quả nghiên cứu là chiếc máy sấy ứng dụng năng lượng mặt trời với công nghệ sấy động. Hệ thống gồm buồng sấy với các dàn sấy chuyển động quay quanh trục cố định và sử dụng dòng không khí sấy hồi lưu; các bộ phận điều chỉnh tự động tốc độ quay của dàn sấy và tốc độ dòng không khí theo nhiệt độ đo được bên trong buồng sấy; mức điều chỉnh tự động độ ẩm theo thông số cảm biến độ ẩm đo được bên trong buồng sấy.
Với kiểu ứng dụng hiệu ứng nhà kính bằng năng lượng mặt trời, thiết bị có khả năng sấy thực phẩm có độ khô và cảm quan tương đương như phơi nắng truyền thống. Cụ thể, thiết bị kết hợp phơi bằng năng lượng mặt trời vào ban ngày (gia nhiệt thêm từ 5-20oC) và sấy bằng điện vào ban đêm. Vì thế, thiết bị vận hành không phụ thuộc vào thời tiết thất thường cũng như các loại nguyên liệu chất đốt, rút ngắn thời gian phơi sấy (lên đến 30% so với phơi nắng truyền thống) và có thể sấy nhiều mẻ liên tục. Ngoài khả năng tự động kiểm soát được các thông số phơi sấy và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió…thiết bị còn tận dụng kinh nghiệm sản xuất của cơ sở bằng cách nhập thông số chi tiết vào bảng điều khiển. Nhờ được bố trí nhiều mặt phơi trong buồng kín, thiết bị không chỉ giúp tiết kiệm mặt bằng phơi - chỉ khoảng 12m2 mà còn giúp tăng năng suất phơi sấy tăng lên nhiều lần, đồng thời còn chống nhiễm bụi, trứng ruồi, khử vi sinh ngay trong quá trình phơi sấy bằng đèn chiếu tia cực tím.
Lợi ích kinh tế lập tức gây sự chú ý với nhiều đơn vị chế biến nông sản và thực phẩm bởi ở thời điểm đó, dự tính chỉ mất 980 đồng để sấy xong 1kg cá sặc khô có giá trị 250.000 đồng, hay thậm chí tuyệt vời hơn 1kg cá dứa thành phẩm giá bán 450.000 đồng chỉ tốn 37 đồng tiền sấy. Chi phí tiêu hao thấp đến không ngờ như vậy, có thể xem gần như không có. Ngay tại buổi hội thảo, các đơn vị chế biến nông sản đã đặt câu hỏi cho ThS. Phan Văn Hiệp về khả năng nghiên cứu và ứng dụng cho nhiều loại sản phẩm khác như bánh tráng, hồ tiêu, cà phê…
Thông tin về chiếc máy sấy ứng dụng năng lượng mặt trời với công nghệ sấy động ở hội thảo sau đó đã được truyền thông trên các đơn vị báo chí, bắt đầu thu hút một số đơn vị chế biến thủy sản cũng như các hộ nông dân liên hệ và đặt hàng sản xuất máy thử như làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, hộ ông Lê Văn Nên (Cần Đước, Long An). Do đặc thù của ngành nông nghiệp, mỗi một đơn hàng là một tâm tư nguyện vọng riêng, nên ThS. Phan Văn Hiệp phải đi khảo sát thực tế ở địa phương, tiến hành cải tiến, bổ sung tính năng để đáp ứng yêu cầu phơi sấy cho từng sản phẩm riêng. Điều này góp phần giúp cho thiết bị mà ông sáng chế khẳng định được chất lượng, uy tín và chỗ đứng trên thị trường mặc dù đây là thiết bị mới được thương mại hóa ra thị trường trong khoảng thời gian chưa đầy 1 năm.
Thông qua sự kết nối của Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM và Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM, các nhà khoa học cũng như các nhà cung ứng thiết bị có cơ hội trưng bày giới thiệu các sản phẩm cụ thể, kết hợp với các hội thảo trình diễn công nghệ, đáp ứng đúng nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm thực tế của các đơn vị và cá nhân mong muốn được chuyển giao, ứng dụng công nghệ. Qua đó, các bên có sự tin tưởng và an tâm, tăng cơ hội hợp tác thành công và hiệu quả.
Kim Hoàn
Để tham khảo thêm hàng ngàn công nghệ sẵn sàng chuyển giao vào sản xuất, kinh doanh
mời Quý bạn đọc truy cập vào Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo
và Chuyển giao công nghệ, tại địa chỉ: www.techport.vn