Viêm nha chu là một bệnh lý phức tạp, đa yếu tố đặc trưng bởi mất bám dính mô liên kết cùng với sự phá hủy mô nha chu. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, với tỷ lệ cao người dân bị viêm nướu và viêm nha chu. Một nghiên cứu mới đây về tình trạng răng miệng của bệnh nhân đến khám và điều trị tại khoa Răng hàm mặt (Đại học Y Dược TP.HCM) cho thấy có khoảng 46,9% người đến khám mắc bệnh nha chu.
PRP là tiểu cầu ở nồng độ cao được thu nhận bằng cách ly tâm 1 hoặc 2 lần máu tự thân. Sử dụng PRP trong điều trị là một liệu pháp tự thân sử dụng lượng tiểu cầu được tập trung nhiều hơn mức bình thường trong cơ thể. PRP chứa yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc tiểu cầu (PDGF), yếu tố tăng trưởng chuyển dạng-β (TGF-β), yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF), yếu tố tăng trưởng giống insuline, yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF), yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi (FGF),… Những yếu tố này ảnh hưởng tích cực đến quá trình lành thương và tái tạo mô bằng cách thúc đẩy sự sửa chữa xương, thúc đẩy sự tăng sinh nguyên bào sợi và tăng tuần hoàn mạch máu. PRP đã được sử dụng nhiều trong nhổ răng, trong điều trị viêm nha chu, PRP cũng được chứng minh có hiệu quả do khả năng tái tạo và lành thương mô nha chu của nó.
Trong đề tài này, PRP được thu nhận từ máu ngoại vi bằng quy trình ly tâm 2 lần (lần 1: 3.500 vòng/phút, trong 3 phút; lần 2: 3.000 vòng/phút, trong 22 phút). Nhóm tác giả đã thiết lập được 2 quy trình hoạt hóa PRP (quy trình 1: hoạt hóa PRP bằng 5% β-TCP kết hợp 5% dung dịch CaCl2 230mM; quy trình 2: hoạt hóa PRP bằng 5% xương đồng loài kết hợp 5% dung dịch CaCl2 230mM). PRP hoạt hóa có khả năng giải phóng nhân tố tăng trưởng PDGF và TGF-β. Dịch chiết PRP đảm bảo vô trùng. PRP hoạt hóa không gây độc cho nguyên bào sợi người theo tiêu chuẩn ISO 10993 - phần 5.
Sau khi được hoạt hóa bằng quy trình 1, hoặc quy trình 2, dịch chiết PRP có khả năng kích thích sự tăng sinh của nguyên bào sợi nướu (hGF) và tế bào gốc dây chằng nha chu người (hPDLSC) sau 13 ngày khảo sát; kích thích sự di cư của hGF và hPDLSC sau 24 giờ khảo sát; kích thích sự biệt hóa xương của tế bào hPDLSC sau 14 ngày khảo sát.
Đề tài đã phân lập được vi khuẩn Porphyromonas gingivalis từ mảng bám dưới nướu của bệnh nhân viêm nha chu mạn. Môi trường nuôi cấy là Wilkin chalgren anaerobic agar có bổ sung hemin và menadione với nồng độ lần lượt là 0,005 g/l và 0,0005 g/l. Vi khuẩn được nuôi cấy trong môi trường kỵ khí hoàn toàn thông qua việc sử dụng bình kỵ khí và túi tạo môi trường kỵ khí. Vi khuẩn nuôi cấy được định danh bằng hai phương pháp MALDI-TOF (ion hóa mẫu hấp thụ dựa trên hỗ trợ của chất nền và năng lượng laser - thời gian bay) và giải trình tự với đoạn mồi đặc hiệu.
Về tác động kháng khuẩn của PRP lên vi khuẩn Porphyromonas gingivalis vừa nuôi cấy, thí nghiệm nồng độ ức chế tối thiểu cho thấy, PRP của nhóm khoẻ mạnh và của nhóm bệnh nhân viêm nha ức chế được vi khuẩn Porphyromonas gingivalis ở nồng độ tiểu cầu trung bình lần lượt là 393,5×106 tiểu cầu/ml và 461,7×106 tiểu cầu/ml. Thí nghiệm kháng bám dính: PRP của tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu đều làm giảm vi khuẩn bám dính có ý nghĩa so với nhóm chứng với nồng độ tiểu cầu trung bình ở nhóm khoẻ mạnh là 466,9 ×106/ml và ở nhóm viêm nha chu là 461,7×106/ml. Không có sự khác biệt giữa độ kháng bám dính của PRP nhóm khoẻ mạnh và nhóm viêm nha chu. Thí nghiệm nhạy cảm màng sinh học: màng sinh học vi khuẩn Porphyromonas gingivalis ít nhạy cảm với PRP ở nồng độ tiểu cầu trung bình của nhóm khoẻ mạnh và viêm nha chu lần lượt là 933,75 ×106/ml và 923,4×106/ml. Không có sự khác biệt giữa độ nhạy cảm màng sinh học của PRP nhóm khỏe mạnh và nhóm viêm nha chu.
Thử nghiệm lâm sàng điều trị các khiếm khuyết xương ổ răng trong viêm nha chu được thực hiện trên 20 bệnh nhân, với 60 răng cối lớn có khiếm khuyết trong xương theo chiều dọc >3mm, chia thành 3 nhóm chính. Nhóm 1 (20 răng): phẫu thuật vạt làm sạch đơn thuần, gồm lấy cao răng và xử lý mặt gốc răng. Nhóm 2 (20 răng): phẫu thuật vạt làm sạch, gồm lấy cao răng và xử lý mặt gốc răng, ghép màng Collagen (Ossix Plus, Hàn Quốc). Nhóm 3 (20 răng): phẫu thuật vạt làm sạch, gồm lấy cao răng và xử lý mặt gốc răng, ghép PRP + β-Tricalcium Phosphate (ArrowBone-β) hoặc xương đồng loài (Bone Allograft). Theo dõi sau phẫu thuật 12 tháng.
Kết quả cho thấy, về thay đổi các chỉ số nha chu lâm sàng: chỉ số PD (độ sâu túi nha chu) và CAL (độ mất bám dính lâm sàng) sau phẫu thuật 3, 6 và 12 tháng, mức độ giảm PD và CAL ở nhóm 3 là cao nhất, kế tiếp là nhóm 2 và giảm thấp nhất là nhóm 1. Độ lung lay răng sau phẫu thuật 6 và 12 tháng, mức độ giảm lung lay răng ở nhóm 3 là cao nhất, kế tiếp là ở nhóm 2, và sau cùng là nhóm 1. Độ tụt nướu răng so với trước khi phẫu thuật, mức độ tụt nướu sau phẫu thuật 12 tháng xảy ra ở nhóm 3 là ít nhất, kế tiếp là nhóm 2 và nhiều nhất ở nhóm 1. Về thay đổi mào xương ổ răng và mức độ lắp đầy xương trên phim X-quang: mức độ tiêu mào xương ổ răng sau phẫu thuật 6 và 12 tháng, chỉ có nhóm 3 không thấy tiêu mào xương ổ răng, trong khi nhóm 2 có tiêu mào xương ổ răng nhưng ít hơn nhóm 1. Mức độ lấp đầy khuyết hỏng xương ổ răng ở nhóm 3 cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm 2. Nhóm 1 không những không có sự lấp đầy xương mà có sự khuyết hỏng xương nhiều hơn.
So sánh sự khác biệt về các chỉ số lâm sàng và các thông số trên phim X-quang của 2 nhóm ghép xương PRP kết hợp β-Tricalcium Phosphate (ArrowBone- β) hay PRP kết hợp xương đồng loài (Bone Allograft), cho thấy không có sự khác biệt về thay đổi các chỉ số nha chu lâm sàng và các thông số trên phim X-quang tại các thời điểm 3, 6 và 12 tháng sau phẫu thuật.