Theo Quyết định 66/QĐ-UBND ngày 14/9/2009 của UBND TP.HCM phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng bến TP.HCM đến năm 2020” trên địa bàn thành phố có 112 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài gần 1.000 km có thể khai thác vận tải, tạo thành mạng lưới đi qua hầu hết các quận, huyện với rất nhiều tiềm năng phát triển vận tải thủy. Việc bố trí các tuyến VTHKCC bằng thủy hợp lý trên một số tuyến trong khu vực đô thị sẽ rút ngắn thời gian đi lại so với đường bộ, góp phần hỗ trợ cho giao thông đường bộ. Ngoài ra, việc kết hợp giữa sự phát triển VTHKCC bằng đường thủy và du lịch trên sông còn là cơ hội tạo ra giá trị gia tăng cho hoạt động du lịch và các sinh hoạt cộng đồng khác, góp phần tạo lập diện mạo mới cho bộ mặt cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, để phát triển loại hình mới mẻ này trong khu vực đô thị, cần phải có một nghiên cứu tổng thể và toàn diện.
Trong đề tài này, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát, điều tra nhu cầu đi lại của người dân đối với việc sử dụng loại hình VTHKCC bằng đường thủy; dự báo nhu cầu sử dụng loại hình VTHKCC bằng đường thủy của người dân trên địa bàn thành phố; phân tích và đánh giá hiện trạng kỹ thuật luồng tuyến trên góc độ tổ chức khai thác VTHKCC bằng đường thủy bao gồm các thông số thủy vận, các công trình vượt sông, chế độ thủy triều; nghiên cứu đề xuất mạng lưới tuyến và tổ chức khai thác VTHKCC bằng đường thủy trên địa bàn TP.HCM;…
Kết quả, thông qua số liệu hơn 8.000 phiếu “Điều tra phỏng vấn người dân về khả năng sử dụng VTHKCC bằng đường thủy”, nhóm nghiên cứu có những nhận định về nhu cầu tiềm năng của người dân về sử dung loại hình VTHKCC bằng đường thủy, làm cơ sở cho công tác dự báo nhu cầu và xây dựng mạng lưới luồng tuyến VTHKCC bằng đường thủy.
Với 22 chuyên đề nghiên cứu các nội dung chính của đề tài đã được giải quyết. Cụ thể, về mạng lưới tuyến VTHKCC bằng đường thủy, qua phân tích khả năng thủy vận luồng tuyến và nhu cầu hành khách tiểm năng đường thủy trên các hành lang, nhóm đề xuất 16 tuyến VTHKCC đường thủy. Về hệ thống bến đầu cuối và bến đón trả khách, đề xuất mô hình bến đầu cuối và đón trả khách trên các tuyến VTHKCC đường thủy phù hợp với thực tiễn khai thác giao thông thủy và đảm bảo mỹ quan đô thị. Về phương tiện, đã lựa chọn chủng loại, sức chứa của tàu phù hợp với điều kiện khai thác trên các loại hình tuyến VTHKCC đường thủy. Về hiệu quả phát triển VTHKCC đường thủy, chứng minh được đầu tư phát triển VTHKCC bằng đường thủy có thể mang lại hiệu quả mà không cần nguồn trợ giá từ ngân sách với điều kiện UBND thành phố cho phép nhà đầu tư được phép kinh doanh các dịch vụ hỗ trợ.
Qua đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các đề xuất về cơ chế, chính sách phát triển loại hình VTHKCC bằng đường thủy giúp cho UBND thành phố có cơ sở để chỉ đạo, quản lý và xây dựng phương án khai thác VTHKCC đường thủy. Cụ thể là các kiến nghị chi tiết về công tác quy hoạch luồng tuyến, bến bãi và kết nối giao thông; luồng tuyến và vấn đề ô nhiễm sông, kênh rạch; về bến trung tâm Bạch Đằng; về phương tiện; cơ chế hỗ trợ phát triển VTHKCC bằng đường thủy; quy trình và hình thức đầu tư; xây dựng các quy trình, quy định trong quản lý khai thác; thông tin quảng bá và kết hợp với du lịch trên sông.
Thông qua kết quả của đề tài, đã hỗ trợ một số đơn vị áp dụng đưa loại hình này vào khai thác. Cụ thể như Công ty TNHH Thường Nhật nghiên cứu khai thác tuyến Bạch Đằng – Linh Đông, Bạch Đằng – Lò Gốm; Công ty TNHH Thương mại và XNK Đại Cát nghiên cứu khai thác tuyến Kênh Tẻ - Kênh Đôi, Tân Hóa – Lò Gốm và kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè; Hợp tác xã Long Hòa nghiên cứu khai thác tuyến du lịch Cần Thạnh – Thạnh An – Long Hòa.