SpStinet - vwpChiTiet

 

Gia tăng tỉ lệ sống của cây con hoa đồng tiền nuôi cấy in vitro

Nhóm tác giả Hà Thị Mỹ Ngân và cộng sự tại Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Tây Nguyên) và Bùi Văn Lệ tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã nghiên cứu khả năng hạn chế hiện tượng thủy tinh thể, tăng chất lượng chồi và tỉ lệ sống cây hoa đồng tiền ở giai đoạn vườn ươm nuôi cấy in vitro có bổ sung nano bạc nhằm tạo nguồn cây giống có chất lượng cao.

Cây nhân giống in vitro thường bị tác động bởi nhiều yếu tố trong môi trường nuôi cấy, như dư thừa các chất điều hòa sinh trường, độ ẩm cao, cũng như sự tích lũy khí ethyllene có thể làm xuất hiện một số hiện tượng bất thường. Một trong những vấn đề nghiêm trọng thường gặp trong vi nhân giống cây hoa đồng tiền là hiện tượng thủy tinh thể (sự tích lũy nước quá mức trong cây), với các biểu hiện hình thái như: cây bị mọng nước, thân giòn, dễ gãy, lá vàng úa, biến dạng cong hoặc xoăn và tỉ lệ sống thấp khi chuyển ra vườn ươm, là những khó khăn trong phương pháp nhân giống truyền thống.

Công nghệ nano đã được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, đặc biệt là trong nuôi cấy mô tế bào thực vật. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nano bạc không những có hiệu quả kháng nấm, vi khuẩn, virus cao, mà còn có những tác động tích cực lên sự sinh trưởng, phát triển và khắc phục được một số hiện tượng bất thường ở cây trồng nuôi cấy in vitro. Do đó, nghiên cứu này bổ sung hạt nano bạc vào môi trường nuôi cấy, hạn chế được hiện tượng thủy tinh thể, gia tăng chất lượng chồi và tỉ lệ sống ở giai đoạn vườn ươm của cây hoa đồng tiền nuôi cấy in vitro.

Kết quả, nano bạc ở nồng độ 2 ppm giúp tăng hệ số nhân chồi, gia tăng chất lượng chồi, khắc phục hiện tượng thủy tinh thể, với việc gia tăng tỉ lệ chất khô; ở nồng độ 5 ppm, nano bạc giúp cải thiện chất lượng cây con in vitro, tăng tỉ lệ sống ngoài vườn ươm và tạo nguồn cây giống có chất lượng cao.

Như vậy, bổ sung nano bạc vào môi trường nuôi cấy in vitro hoa đồng tiền là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, mở ra triển vọng mới cho các nghiên cứu về tác dụng của nano bạc trong nuôi cấy mô thực vật nói chung, và cây hoa đồng tiền nói riêng.

Nội dung nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Công nghệ Sinh học, số 1, năm 2019, hiện đang lưu giữ tại kho tư liệu của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI).

Trong tạp chí này còn nhiều nghiên cứu đáng chú ý khác, như:

  1. Vai trò của thụ thể AhR (Aryl Hydrocarbon Receptor) đối với ung thư ở người có nồng độ Dioxin cao
  2. Nồng độ Matrix Metalloproteinase -9 trong huyết thanh bệnh nhân hội chứng mạch vành cấp ở Việt Nam
  3. Nghiên cứu tạo tế bào lai sản xuất kháng thể đơn dòng gây ngưng kết hồng cầu nhóm máu B
  4. Xác định Henotype phả hệ và đặc điểm dịch tễ học phân tử của một số chủng virus gây hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRSV) tại Việt Nam
  5. Xác định loại Globulin miễn dịch của kháng thể được sinh ra từ tế bào Hybridoma A6g11C9
  6. Trình tự hoàn chỉnh của Henome ty thể mang Haplotype hiếm E4 của chó lưng xoáy Phú Quốc

Quý bạn đọc có thể bấm vào tên bài để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu các cơ sở dữ liệu của CESTI để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://cesti.gov.vn/thu-vien/1/tra-cuu-chung.

Diễm Hương (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả