Áp dụng biện pháp phần tử biên trong phân tích dao động hệ thanh phẳng biến dạng đàn hồi
31/08/2020
KH&CN trong nước
Phân tích tính toán dao động luôn là một yêu cầu quan trọng đặt ra đối với hầu hết các loại công trình, đặc biệt là công trình nhà cao tầng chịu tác dụng của các loại tải trọng có thành phần động như tải trọng gió, tải trọng động đất,…Vì vậy, vấn đề này rất được quan tâm nghiên cứu.
Việc xác định các tần số dao động riêng và xác định nội lực, chuyển vị khi hệ chịu tác dụng của tải trọng động có thể giải quyết bằng phương pháp giải tích và các phương pháp số. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc áp dụng các phương pháp số trong các bài toán phân tích tính toán thiết kế kết cấu nói chung và phân tích dao động nói riêng là xu hướng phát triển tất yếu.
Một trong những phương pháp số sử dụng hữu hiệu và phát huy được nhiều ưu điểm trong bài toán phân tích dao động có thể kể đến đó là phương pháp phần tử biên. Tuy nhiên, các tài liệu kỹ thuật tại Việt Nam chưa đề cập một cách cụ thể và triển khai tính toán các bài toán phân tích dao động bằng phương pháp phần tử biên.
Nhận thấy sự cấp thiết của vấn đề, tác giả Trần Thị Thúy Vân đã tiến hành nghiên cứu khả năng áp dụng và triển khai trình tự tính toán cụ thể bài toán dao động bằng phương pháp phần tử biên cho hệ thanh phẳng biến dạng đàn hồi, từ đó, thiết lập chương trình con tính toán dao động riêng và nội lực của hệ thanh phẳng sử dụng phần mềm lập trình MathCad.
Kết quả, việc tính toán phân tích dao động bằng phương pháp phần tử biên sử dụng chương trình con do tác giả tự thiết lập bằng phần mềm lập trình tính toán MathCad có sai số không đáng kể so với kết quả thu được bằng phương pháp phần tử hữu hạn, chứng tỏ độ chính xác và tin cậy của quy trình tính toán cũng như cách áp dụng của phương pháp phần tử biên do tác giải đề xuất.
Đây là nội dung của nghiên cứu được đăng trên tạp chí Xây dựng, số 1, năm 2020 hiện đang được lưu giữ tại kho tư liệu của Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI)
Trong tạp chí này còn nhiều nghiên cứu đáng chú khác, như:
- Ứng dụng công nghệ 3D Laser scanning trong việc khảo sát lập bình đồ địa hình.
- Bài toán tối ưu khung thép phẳng phi tuyến có xét đến thiết kế panel zone.
- Ảnh hưởng của kích thước kết cấu bê tông khối lớn đến sự hình thành trường nhiệt độ và vết nứt ở tuổi sớm ngày.
- Nghiên cứu ảnh hưởng hàm lượng Alumino Silicate trong xỉ lò cao đến ứng xử cơ học của bê tông geopolymer.
- Nghiên cứu đáp ứng động của hệ khung tấm composite làm việc đồng thời với nền đàn hồi
- Ứng dụng Phương pháp carota lỗ khoan để đánh giá chất lượng nước ngầm
- Phân tích sự làm việc của dầm liên hợp thép bê tông khoét lỗ bản bụng bằng phương pháp mô phỏng số
- Ảnh hưởng của lực dọc trục đến khả năng chịu lực của một số cấu kiện bê tông cốt thép cơ bản
- Nghiên cứu tận dụng tro bay và xỉ đáy từ nhà máy đốt rác phát điện trong sản xuất gạch lót vỉa hè không nung
- Ứng dụng mô hình thông tin công trình trong quản lý an toàn lao động Trường hợp nghiên cứu thi công tầng hầm theo phương pháp bottom up
Quý bạn đọc có thể bấm vào tên bài để tham khảo nội dung chi tiết; hoặc tra cứu các cơ sở dữ liệu của CESTI để tìm tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://cesti.gov.vn/thu-vien/1/tra-cuu-chung.
Lý Thị Tần (CESTI)