Thụy Điển nghiên cứu thành công vắc-xin chữa bệnh tiêu chảy
Anh Phương (CESTI)
08/02/2021
KH&CN nước ngoài
KH&CN quốc tế
Nhóm nhà nghiên cứu thuộc Đại học Umeå (Thụy Điển) đã thành công trong việc lập bản đồ về loại vi-rút gây ra bệnh tiêu chảy, căn bệnh hàng năm giết chết khoảng 50.000 trẻ em trên thế giới. Về lâu dài, phát hiện này có thể mang đến cơ hội cho nhiều phương pháp điều trị hoàn toàn mới đối với các bệnh do vi-rút khác như COVID-19.
Nhà nghiên cứu Lars-Anders Carlson cho biết: "Những phát hiện này cung cấp sự hiểu biết sâu rộng hơn về cách thức vi-rút xâm nhập qua hệ thống dạ dày và ruột. Nghiên cứu có thể tiếp tục cung cấp câu trả lời về việc liệu đặc tính này có thể được sử dụng để tạo ra vắc-xin đưa vào cơ thể ở dạng ăn được thay vì dưới dạng ống tiêm”.
Hình ảnh minh họa từ kính hiển vi điện tử về virus adenovirus đường ruột HAdV-F41
Loại vi-rút mà các nhà khoa học đã nghiên cứu được gọi là adenovirus đường ruột. Adenovirus đường ruột là một trong những yếu tố quan trọng nhất gây ra bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh, theo ước tính có hơn 50.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi năm, chủ yếu ở các nước đang phát triển.
Hầu hết những adenovirus đều gây ra bệnh đường hô hấp, trong khi nhiều biến thể đường ruột của adenovirus ít được biết đến về gây bệnh đường tiêu hóa. Với sự hỗ trợ của kính hiển vi điện tử (cryo-electron microscope) tiên tiến, các nhà nghiên cứu ở Đại học Umeå đã sử dụng phương pháp đông lạnh mẫu thử. Họ đã chụp được những hình ảnh ba chiều của adenovirus đường ruột cho thấy vi-rút trông như thế nào ở cấp độ nguyên tử. Vi-rút là một trong những cấu trúc sinh học phức tạp nhất được nghiên cứu ở cấp độ này. Lớp vỏ bảo vệ bộ gen của vi-rút khi lây lan giữa người với người bao gồm hai nghìn phân tử protein với tổng số sáu triệu nguyên tử.
Các nhà nghiên cứu có thể thấy adenovirus đường ruột giữ cấu trúc của nó về cơ bản không thay đổi ở giá trị pH thấp được tìm thấy trong dạ dày. Điểm khác biệt so với adenovirus đường hô hấp là về cách protein bị thay đổi trong vỏ của vi-rút cũng như phát hiện mới về cách vi-rút kết đông bộ gen bên trong vỏ. Nghiên cứu mang đến sự hiểu biết sâu rộng hơn về cách thức vi-rút phát triển gây bệnh và gây tử vong.
Một số loại vắc-xin mới đang được thử nghiệm chống lại COVID-19 dựa trên adenovirus biến đổi gen. Hiện tại, loại vắc-xin dựa trên adenovirus này phải được tiêm để hoạt động trong cơ thể. Nếu thay vào đó, một loại vắc-xin có thể dựa trên vi-rút adenovirus đường ruột, có thể được “tiêm” ở dạng ăn được. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêm chủng quy mô lớn.
Loại vi-rút mà các nhà khoa học đã nghiên cứu được gọi là HAdV-F41 được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances. Đây là sự hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu của Lars-Anders Carlson và Niklas Arnberg tại Đại học Umeå.
Anh Phương (CESTI) – Theo MedicalXpress