Nghe lén từ độ rung của bóng đèn
21/06/2020
KH&CN nước ngoài
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Ben-Gurion Negev và Viện Khoa học Weizmann (Israel) đã thành công trng việc nghe tiếng nói và âm nhạc trong một căn hộ, chỉ bằng cách theo dõi sự rung động của một bóng đèn.
Các nhà nghiên cứu cho biết, họ chỉ cần một chiếc kính thiên văn và cảm biến quang (trị giá khoảng 400 USD) để đo các rung động của bóng đèn được tác động do các giọng nói hoặc âm nhạc trong phòng. Rung động này hầu như không thể nhận thấy bằng mắt thường.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kính thiên văn, đặt trên một cây cầu và hướng tới bóng đèn trong một tòa nhà chung cư cách đó 27 yard (24,57m). Qua các rung động từ bóng đèn, họ đã có thể tái tạo lại âm thanh với mức độ trung thực khá cao (ví dụ như bài hát "Let It Be" của The Beatles, "Clocks" của Coldplay và một đoạn bài phát biểu của Tổng thống Trump). Trong quá trình thử nghiệm, âm thanh được phát ở mức âm lượng tối đa và cần có đường ngắm trực tiếp tới bóng đèn (chao đèn hoặc rèm cửa sổ sẽ ngăn cản hoạt động này).
Căn cứ theo dao động trên bề mặt của bóng đèn treo khi chúng phản ứng với âm thanh, âm thanh sẽ được phục dựng theo gian thực.
Kỹ thuật nghe lén ở khoảng cách xa này gọi là 'Lamphone'. Bất kỳ âm thanh nào trong phòng đều có thể được phục dựng mà không cần 'hack' bất cứ thứ gì, ngoại trừ việc hướng tầm nhìn đến một bóng đèn nào đó.
Năm 2014, "micrô trực quan", do MIT, Microsoft và Adobe phát triển, đã tái tạo được lời nói và âm nhạc từ một căn phòng bằng cách phân tích các rung động siêu nhỏ từ một túi khoai tây chiên trên bàn. Thiết bị này đòi hỏi tính toán phức tạp và mất nhiều thời gian để phân tích các rung động đã được ghi lại. Các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford cũng phát hiện rằng, có thể thu được rung động từ các tấm áp suất trong con quay hồi chuyển của thiết bị Android và xác định được một số nội dung được nói ở khu vực xung quanh đó, nhưng kỹ thuật này cần có tác động vào phần cứng của đối tượng. Lamphone có thể tiến hành theo thời gian thực, không yêu cầu thao tác trên thiết bị của đối tượng, nên không cần vào văn phòng của đối tượng.
Theo các nhà khoa học, nghiên cứu này chỉ nhằm nâng cao nhận thức về loại tấn công này, chứ không phục vụ cho mục đích cung cấp công cụ nghe lén.
Diệu Huyền (CESTI) - Theo Techxplore.com