Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Chuối là một trong những loại trái cây nhiệt đới quan trọng và có giá trị kinh tế, được thương mại hóa rộng rãi ở vị trí thứ hai trên thế giới, chỉ sau nhóm trái cây có múi. Trái chuối có chứa hàm lượng đường cao cùng với lượng axit thích hợp, các khoáng chất và vitamin, tạo nên hương vị thơm ngon và hấp dẫn.
Để phục vụ cho thương mại hóa, điều quan trọng là trái cây phải đảm bảo có độ chín thích hợp và chất lượng cao khi đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề khó khăn khi quản lý chất lượng trái chuối sau thu hoạch, như tốc độ chín quá nhanh, trái bị rụng ra khỏi buồng và nải, hiện tượng đốm nâu trên vỏ khi trái chín. Trái chuối thu hoạch để tiêu thụ tại địa phương có tuổi thọ rất ngắn, chỉ vài ngày cho đến một tuần, mặc dù được chăm sóc trong điều kiện tốt. Để vận chuyển chuối đi tiêu thụ ở các thị trường xa hơn hoặc xuất khẩu, trái chuối cần được thu hoạch sớm hơn và cách tốt nhất để duy trì trạng thái sinh lý, làm chậm chín là bảo quản lạnh. Tuy nhiên, trái chuối lại rất mẫn cảm với nhiệt độ thấp. Hiện nay, ở nước ta, chuối Nam Mỹ (có giá trị kinh tế cao, từ 40.000-50.000 đồng/kg) được trồng nhiều để phục vụ cho xuất khẩu, khâu bảo quản để vận chuyển đi xa đang là bài toán khó.
Chitosan là loại vật liệu bảo quản tự nhiên, có tác dụng tốt trong bảo quản các loại rau quả có vỏ cứng bên ngoài. Màng chitosan khá dai, khó xé rách, có độ bền tương đương với một số chất dẻo vẫn được dùng làm bao gói. Bao gói bằng màng chitosan có thể ức chế được hoạt tính oxy hóa của các polyphenol, giảm sự hóa nâu của trái chuối, giữ cho chuối tươi lâu hơn. Silic là nguyên tố có hoạt tính sinh học tác dụng theo cả hai cơ chế: sinh học và sinh lý. Nanosilic có kích thước nhỏ và không tích điện, nên có khả năng xuyên qua màng tế bào, tấn công trực tiếp vào thành phần bên trong tế bào để diệt vi sinh vật. Nanosilic phủ trên bề mặt của trái cây có thể giúp bảo quản chất lượng, ức chế sự bốc hơi nước, ngăn chặn sự tấn công của vi sinh vật, tăng độ mịn bề mặt trái cây và độ sáng, kéo dài thời gian lưu trữ và thời hạn sử dụng.
Việc kết hợp chitosan và nanoSiO2 trong nhiều lĩnh vực như dược phẩm, y học, nông nghiệp, thực phẩm đã và đang được nghiên cứu rộng rãi. Sản phẩm cũng đã được chứng minh không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như cây trồng.
Quy trình và phương pháp thực hiện
Quy trình bảo quản chuối bằng chitosan - nanoSiO2
Thuyết minh:
- Nguyên liệu chuối: sử dụng chuối già Nam Mỹ tại Tây Ninh được thu hoạch sau 90 ngày tính từ ngày ra nải chuối đầu tiên.
- Cắt, rửa: rửa cả buồng bằng tia nước. Đưa chuối vào bồn nước tiếp theo để cắt chuối thành từng nải. Trong bồn thứ hai có chứa dung dịch NaClO (nồng độ 75 ppm) để giảm vi sinh vật gây hư hỏng. Chuối được nhúng trong bồn thứ hai khoảng 1 phút và lấy ra.
- Phân loại: chuối sau khi cắt, rửa sẽ được phân loại theo cùng khối lượng, màu sắc, loại bỏ những trái bị trầy xước.
- Pha chế dung dịch chitosan-nanoSiO2:
+ Chuẩn bị dung dịch chitosan: cân 200 g chitosan hòa tan vào 95 lít acid acetic 1% đến khi tan hoàn toàn.
+ Chuẩn bị dung dịch nanoSiO2 0,075%: cân 75 g SiO2 hòa tan vào 5 lít nước.
+ Pha chế dung dịch chitosan-nanoSiO2: sau khi có 95 lít dung dịch chitosan và 5 lít nanoSiO2 tiến hành phối trộn 2 dung dịch với nhau và đồng hóa trong 1 giờ bằng máy đồng hóa IKA18. Sau đó dung dịch được lọc bằng lưới lọc có kích thước 100 mesh để loại bỏ cặn, thu được dung dịch chitosan-nanoSiO2 dùng để bảo quản chuối sau thu hoạch.
- Xử lý: chuối sau khi phân loại sẽ được nhúng vào dung dịch 2% (w/v) chitosan - 0,075% (w/v) nanoSiO2 trong 2 phút. Sau đó vớt ra, để ráo tự nhiên.
- Đóng gói: chuối sau khi xử lý được bỏ vào thùng carton (10 lỗ/thùng, 15 kg/thùng).
- Bảo quản: chuối sau khi đóng gói được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp tùy theo nơi tiêu thụ. Với nhiệt độ 150C, chuối có thể bảo quản đến 30 ngày; ở 200C đến 25 ngày và ở 250C lên đến 20 ngày.
Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế
Chuối nhúng trong chế phẩm chitosan 2% (w/v) - nanoSiO2 0,075% (w/v) trong thời gian 2 phút, bảo quản ở nhiệt độ 150C, 200C cho kết quả tốt hơn so với không xử lý. Không phát hiện dư lượng silic trên bề mặt quả và trong thịt quả.
Chi phí để sản xuất 200 lít chế phẩm sinh học 2% chitossan + 0,075% nanoSiO2 khoảng 4,2 triệu đồng, có thể sử dụng cho 100 tấn chuối. Áp dụng công nghệ này vào sản xuất, giá thành chuối sẽ tăng thêm 42 đồng/kg. Tuy nhiên, sản phẩm sau khi xử lý, đóng gói có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, giữ được giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kéo thời gian bảo quản quả chuối lên gấp gần 2 lần, giảm tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch.
Vì vậy, bảo quản chuối sau thu hoạch bằng chitosan kết hợp nanoSiO2 đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn trong sử dụng, có thể bảo quản phục vụ cho xuất khẩu, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế.
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
1. KS. Phạm Quang Thắng
ĐT: 0372996391. Email: pquangthang1@gmail.com
2. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM
Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: 028 3886 2726.